“Khí vận nặng lắm, đen đủi. Nó sẽ tàn bạo hơn, choảng nhau nội bộ, nhóm lợi ích, sát phạt. Vậy nên mấy người mới lên thì nên vừa phải đừng nên tham gia vào. Nói chung là lung tung lắm, tất nhiên là không cùng tận đâu! Nhưng mà khí vận đen lắm, đen kéo dài.”
Khí vận năm Ất Mùi (minh họa). RFA files
Tết Ất Mùi đến, chúng tôi xin gửi lời chúc một năm mới may mắn, mọi điều tốt đẹp và an lành đến với quí thính giả, độc giả, xin cầu chúc quí vị thân tâm an lành, gia đình hạnh phúc! Thưa quí vị, theo tục lệ ông bà từ xa xưa, mỗi dịp Tết về, ngoài những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau, ông bà chúng ta còn gieo quẻ, nhẩm quẻ xem khí vận của năm lành hay dữ, vui hay buồn, may mắn, thuận lợi ra sao. Câu chuyện về khí vận Việt Nam năm Ất Mùi, 2015 do hai nhà chiêm tinh Việt Nam dưới đây chia sẻ với chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho quí vị thấy vui và cũng qua đó mà hình dung cho mình một viễn tượng căn cứ trên những viễn cảnh của đất nước, dân tộc.
Năm kinh tế không được tốt
Nhà chiêm tinh Thạch Sùng, hiện sống tại Hà Nội, chia sẻ: “Khí vận nặng lắm, đen đủi. Nó sẽ tàn bạo hơn, choảng nhau nội bộ, nhóm lợi ích, sát phạt. Vậy nên mấy người mới lên thì nên vừa phải đừng nên tham gia vào. Nói chung là lung tung lắm, tất nhiên là không cùng tận đâu! Nhưng mà khí vận đen lắm, đen kéo dài.”
Ông Thạch Sùng dẫn luận thêm hai câu sấm của Trạng Trình “Mã đề dương cước anh hùng tận/Thân dậu niên lai hướng thái bình” và chia sẻ với chúng tôi rằng hai câu sấm ấy rất khó giải mã, đặc biệt là hai chữ “anh hùng” trong đó, nếu hiểu lệch lạc vấn đề và định nghĩa anh hùng theo kiểu quân tử Tàu, anh hùng Tàu mà lâu nay chúng ta vẫn thường nhầm lẫn thì mọi chuyện sẽ không đi đến đâu.
Vì những anh hung trong sách Tàu được luận trong thời chiến tranh, đó là những người mang kiếm, cưỡi ngựa ra sa trường và giá trị anh hùng của họ được tích lũy bằng máu chảy đầu rơi. Đương nhiên ngay cả trong sách Tàu, những người anh hùng như thế ít được xem là thánh, chỉ sau này, chính những tay bồi bút của Mao Trạch Đông mới phong thánh cho họ.
Ở Việt Nam cũng từng có những anh hùng được phong thánh nhưng con số rất hạn chế, thậm chí đếm không đủ trên đầu ngón tay ở các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần. Về sau này, cũng có nhiều anh hùng nhưng họ không bao giờ được phong thánh bởi giá trị anh hùng của họ căn cứ trên số lượng quân đối phương tử trận. Nhưng họ vẫn được phong anh hùng, mãi cho đến khi hết chiến tranh, chiến tích của họ được xếp vào lịch sử và những anh hùng thời đại kinh tế nổi lên.
Rất không may mắn cho các anh hùng thời chiến, nếu ở một chế độ chính trị tử tế, họ sẽ được đăng quang trên một vị trí nào đó trong lịch sử. Nhưng tại Việt Nam, nhiều anh hùng phải đi làm những công việc thay cho phụ nữ, làm những công việc mà ngay cả giới nữ cũng ngại ngần chạm đến bởi tính tế nhị của nó. Và điều đó cũng cho thấy thời đại của anh hùng chiến tranh đã qua, thay vào đó là những anh hùng kinh tế, xây dựng đất nước.
Trong số những anh hùng thời kinh tế có cả những anh hùng xây dựng, anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa nhưng rất tiếc là họ mờ nhạt bởi cái cơ chế đang khuôn giữ họ. Mãi cho đến những năm 1990 trở về sau, Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều anh hùng, hảo hớn trong kinh tế cũng như trong giới xã hội đen. Chính họ là những người làm thay đổi cục diện đất nước cũng như nhận thức của người dân về thời đại mình đang sống, đang tồn tại.
Nếu như một anh hùng kinh tế có khả năng đổi đời cho cộng đồng thì những anh hùng trong giới xã hội đen lại làm đảo lộn mọi qui ước xã hội. Hai loại anh hùng này phát triển càng nhiều thì xã hội Việt Nam càng có những thay đổi đáng nói.
Và cái chu kì 12 năm sẽ xuất hiện “mã đề dương cước” một lần sẽ tiêu trừ một số anh hùng mà giữa công và tội của họ vẫn còn bất minh. Ví dụ như năm Mậu Ngọ và Kỉ Mùi 1978 – 1979 của thế kỉ trước, Võ Nguyên Giáp rơi vào trạng thái “anh hùng tận”, đùng một cái từ một vị tướng chuyển sang làm chủ nhiệm cơ quan chuyên về sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình.
Những năm giao thoa giữa Ngọ và Mùi sau này vẫn luôn có những anh hùng bị lụn bại. Có thể kể tên của họ như Năm Cam, Dung Hà trong giới xã hội đen, Tăng Minh Phụng, Phạm Huy Phước, Nguyễn Văn Mười Hai, Nguyễn Đức Kiên, Dũng Lò Vôi… trong giới làm kinh tế. Đặc biệt, trong giới chính trị, nhân vật Nguyễn Bá Thanh là một biểu tượng rõ nét nhất của anh hùng tận trong thời đại của ông.
Và một khi những anh hùng kinh tế, anh hùng chính trị, thậm chí anh hùng xã hội đen bị trù dập, ám hại, hệ quả kéo theo sẽ là nền kinh tế bị lũng đoạn cục bộ trong một thời gian không ngắn bởi những cấu trúc bị vỡ, những mối quan hệ và thủ đoạn kèm theo để đối phó.
Nên vui hay nên buồn
Nhà chiêm tinh Thạch An, một đồng môn của ông Thạch Sùng, hiện đang sống ở Hà Nội, chia sẻ thêm: “Năm sau thì là năm Giáp nên Ất sẽ nảy lên một tý, Ất là cái tốt sẽ nảy lên một tý, năm nay nó hơi nảy lên một chút bởi Ất thuộc Mộc, chỉ đợi đến hai năm sau nữa mới có sự thay đổi mạnh. Lúc đó mọi thứ sẽ phá nhau, kể cả cái xấu cũng phá nhau. Bính Đinh thì sẽ giống như con gà đang nở ra, sẽ tốt hơn”.
Theo ông Thạch An, vấn đề anh hùng tận có hai hướng để suy nghiệm, ở hướng thứ nhất, nếu trong một đất nước tốt đẹp, có dân chủ, văn minh và tiến bộ thì chuyện anh hùng tận sẽ là chuyện đáng buồn của cả một dân tộc. Nhưng ngược lại, trong một đất nước thiếu vắng dân chủ và văn minh, thậm chí man di mọi rợ thì chuyện anh hùng tận sẽ có cả buồn và vui lẫn lộn. Nhưng vui nhiều hơn buồn.
Bởi lẽ, sự cáo chung của những anh hùng xã hội chủ nghĩa sẽ giúp cho các thế hệ trẻ hơn nhận chân được xã hội họ đang sống và hình thành cho mình một nhân cách cũng như thiết lập cho mình một dự tính tương lai. Và chắc chắc những anh hùng tương lai sẽ xuất hiện, hợp với thời cuộc cũng như hợp với tiến trình phát triển của nhân loại.
Và mỗi cú ngã của các anh hùng thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa sẽ là bài học tốt nhất cho những ai còn tin vào cái chủ nghĩa trùm chăn làm anh hùng này để từ đó biết lựa chọn cho mình một tâm thế sống, khỏi rơi vào tình trạng tụt hậu, lạc lỏng với nhân loại.
Nhìn chung, theo ông Thạch An, năm tới sẽ có nhiều anh hùng Cộng sản xã hội chủ nghĩa bị tai họa. Và đương nhiên, song song với hiện tượng cáo chung của loại anh hùng xã hội chủ nghĩa, nhiều anh hùng dân chủ sẽ xuất hiện bằng con đường đấu tranh và lao lý. Cũng không nên nhầm lẫn vấn đề lao lý, bị bức hại của các anh hùng dân chủ là những tai họa, là sự khánh tận. Bởi nhóm anh hùng dân chủ nằm ở cung Thiếu Dương, chỉ mới nhen nhóm, trưởng thành, khác với loại anh hùng xã hội chủ nghĩa đóng ở cung Thái Âm, đã đứng ở vị trí cực thịnh và bạo phát, chuyển sang giai đoạn suy hoại và bạo tàn theo quy luật vận chuyển của vũ trụ.
Một năm mới sẽ có nhiều biến cố kinh tế, chính trị, đời sống có những khó khăn nhưng chắc chắn sẽ có tin vui!