... giọng Quảng Ngãi đắng chát của cô phục vụ quán ngân nga hip hop “Cuối nem, mình vẽn cứ lè ngừ đổ võ óc, yeah!” (cuối năm, mình vẫn cứ là người đổ vỏ ốc, yeah!)
Cuối năm, cái cảm giác lan man trong một buổi chiều Sài Gòn, tìm một quán cóc nào đó để ngồi nhìn ánh nắng vàng vọt, hắt hiu của năm cũ trôi dần, chết dần trên thềm nhà, trên hè phố… lại đến. Lần này, tôi quyết theo trận lan man thử đến đâu, tôi mang hành lý, ra bến xe Miền Đông, mua một vé ra miền Trung và dự tính nếu đến miền Trung vẫn còn lan lan, lại tiếp tục mua vé xuôi ra Bắc. Xe chạy được hơn ngày đường, đến 2h sáng hôm sau thì ra đến Mộ Đức, Quảng Ngãi. Xe dừng bên thị trấn để một người khách Quảng Ngãi xuống xe, nhiều hành khách khác cũng tranh thủ đi vệ sinh. Tôi tỉnh giấc, vác chiếc ba lô bước xuống đường, vào một quán ven đường.
Quán bán vịt quay và ốc nhồi lá chanh, tôi gọi dĩa ốc nhồi lá chanh và xị rượu mía đường. Vài ve rượu làm ấm bớt cái lạnh cuối năm ở miền Trung, giọng Quảng Ngãi đắng chát của cô phục vụ quán ngân nga hip hop “Cuối nem, mình vẽn cứ lè ngừ đổ võ óc, yeah!” (cuối năm, mình vẫn cứ là người đổ vỏ ốc, yeah!) làm tôi lại lan man về chuyện ăn ốc và đổ vỏ ốc. Đúng là dân Quảng Ngãi bị số phận nó ám, bị đọa với cái sứ mệnh đổ vỏ ốc triền miên, thật là tội nghiệp.
Nói gần thì cả tỉnh Quảng Ngãi hiện tại đang còng lưng đổ vỏ ốc cho cha con Nguyễn Hòa Bình và phe nhóm của nhà Nguyễn này. Nhưng chuyện đổ vỏ ốc này nghe ra còn chấp nhận được, chịu đựng được. Khác xa với chuyện ăn ốc của Phạm Văn Đồng và dân Lý Sơn phải nai lưng đi đổ vỏ ốc. Cùng là dân Quảng Ngãi với nhau, không biết Lý Sơn có nợ nần gì Mộ Đức mà Mộ Đức lại sinh ra một thằng thời cơ, để vinh thân phì gia và củng cố quyền lực phe nhóm, hắn ký một cái công hàm nửa vời, ai hiểu sao cũng được. Cái công hàm này sẽ có lợi cho kẻ mạnh sau này nhưng cũng khó mà bắt bẻ cho kẻ đã đặt bút ký. Cuối cùng, chính cái công hàm này làm bằng chứng mạnh mẽ nhất để Trung Quốc bành trướng trên biển Đông, vẽ đường chín đoạn, lè cái lưỡi bò to tướng nuốt trọn Biển Đông.
Trong phi vụ này, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và tay chân bộ hạ được lợi nhiều thứ, trong đó có vài tỉ nhân dân tệ chuyển thành vũ khí và một đường sắt Vân Nam chở vũ khí cho Bắc Việt. Đương nhiên, trong quá trình làm đường sắt, phía “bạn” cũng nuốt một mớ lãnh thổ Việt Nam. Nhưng đó là chuyện nhỏ, chuyện lớn vẫn là Quốc tế Cộng sản, chuyên chính vô sản, và bằng mọi giá đánh chiếm miền Nam. Để có được điều đó, phải có vũ khí và nếu có nhỡ đốt cháy cả dãy Trường Sơn để đánh miền Nam cũng chấp nhận, như lời Hồ Chí Minh.
Sau phi vụ này, Phạm Văn Đồng được Cộng sản Trung Quốc xoa đầu, chỉ thị cho làm Thủ tướng suốt đời, cho đến lúc về hưu. Và từ năm 1955 đến năm 1976, Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng, từ 1976 trở về sau, vẫn chức quyền ấy nhưng cái danh thay đổi sang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho nó ra vẻ xã hội chủ nghĩa. Mãi cho đến năm 1981, khi mà sức khỏe xuống cấp, tuổi cũng đã cao, hơn nữa, phe Đặng Tiểu Bình không còn ngó ngàng tới bởi cuộc chiến biên giới phía Bắc đã biến cái tình anh em thành cừu thù, môi hở răng lạnh. Hết thế lực, Phạm Văn Đồng về hưu. Nhưng cho dù có về hưu, Đồng vẫn đứng ở vị trí rất cao trong đội ngũ cố vấn của đảng Cộng sản. Vẫn ung dung hưởng lạc và vẫn duy trì cái tiếng là Thủ tướng “tài hoa mà thanh bần” trong lòng miền Bắc. Mãi cho đến khi cái công hàm bán nước xì thành tiếng thì mọi chuyện mới khác đi.
Lúc này, người ta lại thấy cái đất Quảng Ngãi kì cục. Từ thời nhà Nguyễn, nhân dân Quảng Ngãi cũng đã đóng vai trò làm một cái rào chắn cho các quan được an toàn, nhân dân phải chịu đựng nhiều trận du kích khốc liệt của cánh quân Chăm Pa phục quốc từ phía Nam, nhân dân phải đào hào, trồng tre làm vạn lũy trường thành. Đến thời chiến tranh Nam Bắc Việt Nam, Quảng Ngãi cũng là nơi bị oanh tạc nhiều nhất bởi các ông các bà Cộng sản nằm vùng, cứ tối tối thì về làng, xin gạo, xin dầu, xin tiền, nói chung có thứ gì xin được thì xin tất, không cho cũng lấy. Sau đó rình mò lúc người ta ngủ mà đột nhập, ám sát một số sĩ quan quân Nam Hàn, Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa hoặc nấp trong làng chờ lính Nam Hàn, lính Mỹ đi chơi thì giết. Quân Lính Nam Hàn, lính Mỹ nổi lôi đình, càn quét cả làng. Kết cục là lính Cộng sản ăn ốc, bắt dân làng đổ vỏ, chịu trận.
Đến bây giờ, dân Lý Sơn lại một lần nữa đi đổ vỏ ốc cho Phạm Văn Đồng. Ký một cái công hàm tháng Giêng năm 1958. Sau đó 25 năm, tháng Giêng năm 1974, Trung Quốc đem quân đánh úp Hoàng Sa, chiếm toàn bộ Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Không hiểu cái mốc 15 năm này có mang ý nghĩa gì trong công ước cũng như thỏa thuận giữa Việt Cộng và Trung Cộng hay không? Và từ tháng Giêng năm 1974 đến nay, Hoàng Sa hoàn toàn nằm trong tay Trung Cộng, ngư trường Việt Nam bị thu hẹp thê thảm. Dân Lý Sơn lại được ủy nhiệm cái nhiệm vụ cao cả: đi giữ ngư trường! Trong lúc tay họ không có lấy bất kì thứ vũ khí thô sơ nào.
Và mỗi năm, vào mùa Xuân, mùa ra khơi, đánh bắt, ngư dân Lý Sơn lại bị đánh đập, lại chịu trận, mất tài sản, thậm chí mất mạng vì Trung Cộng. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại lên truyền hình phản đối suông. Mặt khác, lại khuyến kích bà con ngư dân tiếp tục ra khơi để bám biển, giữ ngư trường. Vì chén cơm manh áo, vì quá thật thà, vì chẳng còn gì để sống., thậm chí chẳng còn gì để mất, ngư dân Lý Sơn lại lao đầu ra khơi như những con thiêu thân trong bàn cờ chính trị Cộng sản.
Rõ ràng, kẻ bán đứng lãnh hải như Phạm Văn Đồng là đắc lợi. Khi chết đi, Phạm Văn Đồng được nhà nước Cộng sản cho xây dựng đền thờ, khu tưởng niệm rộng hàng chục hecta ngay trên nền nhà cũ, thậm chí xua nhà người cháu bên cạnh vào sát bụi tre, không có đất sống, lấy diện tích để mà xây dựng nhà thờ của họ Phạm. Trong khi đó, nhân dân Quảng Ngãi, cụ thể là nhân dân Lý Sơn lại làm nhiệm vụ đổ vỏ ốc. Bao nhiêu con ốc béo ngọt, Đồng và tay chân bộ hạ xơi tất, còn lại những cái vỏ thối tha thì bắt nhân dân đi đổ.
Thế mới biết, nhân dân bao giờ cũng chỉ là những người đi đổ vỏ ốc sau bữa ngon miệng của các quan. Chuyện này xưa nay chưa hề thay đổi!
Và Mùa Xuân lại về trên đất Quảng Ngãi, một lần nữa, đám đông nhân dân lại hương khói, tưởng nhớ cái công ăn ốc của Đồng. Mùa đánh bắt cũng sắp trở lại, biển lặng, sóng yên, ngư dân Lý Sơn lại ra khơi, lại bị bắt, lại thực hiện đúng cái sứ mệnh đi đổ vỏ ốc của họ. Thế mới thốn chứ! Mà nghĩ cũng đúng, thường là bằng hữu hoặc đồng hương chơi nhau nó mới máu!