Các báo cũng đưa tin là nhiều người dân lên chùa cầu nguyện cho Nguyễn Bá Thanh, thậm chí có báo còn dẫn lời một người dân “nguyện sẽ ăn chay suốt đời” nếu Nguyễn Bá Thanh khỏi bệnh.
ĐÀ NẴNG (NV) - Thông tin nổi bật trong những ngày qua trên báo chí ở Việt Nam là nhân vật Nguyễn Bá Thanh được đưa từ Mỹ về Đà Nẵng bằng một chuyến bay riêng vì bệnh ung thư máu.
Thời ông Nguyễn Bá Thanh làm bí thư Đà Nẵng, dân bán hang rong ngoài
Quảng Nam-Đà Nẵng phải dạt vô Sài Gòn để “tha phương cầu thực.”
(Hình: Văn Lang/Người Việt)
Tin tức về nhân vật trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, phó Ban Chống Tham Nhũng của Đảng CSVN, làm “lu mờ” các tin tức khác, như giàn khoan HD 981 của Trung Cộng đang lởn vởn ngoài khu vực Biển Đông, và cả tin khai mạc Hội Nghị 10 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chuẩn bị cho kỳ Đại Hội 12 tới.
Nhân vật Nguyễn Bá Thanh làm hao tốn giấy mực và thời gian của công luận gần đây này cũng thật “lạ.”
Là vì, nhậm chức “trưởng Ban Nội Chính” cũng tức là nhận “thượng phương bảo kiếm” được toàn quyền xử lý giống như - Bao Hắc Tử ở phủ Khai Phong ngày xưa bên Tàu.
Nhưng thượng phương bảo kiếm chưa kịp rút ra khỏi vỏ, ngoài vài câu “chém gió” mà chả chết...em ruồi nào. Nhân vật “Hắc tử” này đã vội vàng bay qua Mỹ để trị bệnh, mà lúc đầu có tin đồn lan tràn là bị...đầu độc.
Nhưng báo chí thì đưa tin, mà công luận thì không thấy ai thắc mắc về việc một tay “đỏ gốc” như Nguyễn Bá Thanh lại “cả tin” chạy qua xứ Hoa Kỳ, không sợ bị “thay máu” sao?
Chuyện chính trị thâm sâu chốn cửu trùng, “dân đen” làm sao biết.
Báo chí dẫn lời của một vị phụ trách việc bảo vệ sức khỏe cho các yếu nhân của đảng, là, “Không có chuyện đảng bỏ tiền cho cá nhân đi trị bệnh ở nước ngoài!”
Thế ai bỏ tiền? Vì ai cũng biết “đồng chí” Nguyễn Bá Thanh này nổi tiếng là “công minh liêm chính” mà xứ Mỹ thì chữa bệnh không hề rẻ chút nào, không lận lưng bạc triệu Mỹ kim thì đừng có...mơ.
Báo chí Việt Nam còn loan tin rằng, dân chúng Đà Nẵng “dầm mưa” chờ máy bay chở Nguyễn Bá Thanh trở về. Và an ninh quanh sân bay đã được “siết chặt.” Để làm gì, thì không thấy tờ báo nào nói.
Các báo cũng đưa tin là nhiều người dân lên chùa cầu nguyện cho Nguyễn Bá Thanh, thậm chí có báo còn dẫn lời một người dân “nguyện sẽ ăn chay suốt đời” nếu Nguyễn Bá Thanh khỏi bệnh.
Trên tờ Tuổi Trẻ sáng ngày 6 tháng 1, đi một “phóng sự” nhanh, đề cập tới giới xe Honda ôm, bán hàng rong đang trông ngóng chuyến bay trở về quê cha của Nguyễn Bá Thanh. Bài có dẫn lời của một ông Honda ôm, nhưng không có ai “phát ngôn” cho giới bán hàng rong cả.
Đó là vì lúc còn “trên đỉnh cao quyền lực” tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng về việc “quét sạch” hàng rong, để Đà Nẵng cũng sạch sẽ như...Bình Nhưỡng, thủ đô đỏ của Bắc Hàn.
Vậy mà báo Tuổi Trẻ dám viết phóng sự nói những người bán hàng rong tại Đà Nẵng đang tha thiết ngóng trông ông Thanh về, chả hiểu để làm gì? Trừ khi tờ báo này có “ý đểu” với một VIP không rõ sức khỏe ra sao mà phải về quê cha trên máy bay cứu thương.
Người bán báo dạo kiếm từng đồng bạc nhỏ nhoi. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Từ đó dư luận cũng dấy lên nỗi hồ nghi lâu nay về nền “báo chí cách mạng” Việt Nam. Nhất là sau hàng loạt bài ký tên là “Người trong cuộc” tung hê lên mạng Internet về cách làm báo (ở một trong những tờ báo uy tín hàng đầu). Thay vì đưa tin,các nhà báo này đã “làm tin” hay nói đúng hơn là đã “chế tác tin” từ thô thiển cho đến “cực kỳ tinh xảo.” Điều này phụ thuộc vào tay nghề cũng như sự gian ngoan của mỗi nhà báo trong việc cơ hội với lợi-danh, với triết lý-kiếm tiền và “thờ” minh chủ.
Sau 1986, báo chí đa số thay gì phải “ngửa tay” xin tiền đảng, thì trái lại đã đóng góp cho ngân sách rất nhiều. Có những báo như Tuổi Trẻ đã trở thành một công ty truyền thông với số tài sản kếch xù, nhờ bán báo, kinh doanh, thu tiền quảng cáo, vận động từ thiện...
Giai đoạn thập niên 90, hình thành khái niệm “Tư bản đỏ” ở Việt Nam. Các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Hình thành một mối tương quan mới giữa chính trị và báo chí. Nhiều tổng biên tập báo bắt đầu “ảo tưởng” về cái gọi là “Quyền lực thứ tư” của mình.
Bất mãn và sợ. Hiệu ứng đó làn truyền trong giới báo chí. Như vậy là công cuộc “định hướng” và “bình định” đám kiêu binh-loạn bút kia đã được hoàn thành một cách xuất sắc?
Chiều 7 Tháng Giêng họp báo về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, bên tuyên giáo yêu cầu báo chí không làm “nóng” vụ này thêm nữa,vì đây chẳng qua là chiêu trò, câu khách, giật gân của báo chí qua tin đồn...đầu độc.
Tuyên giáo “khẳng định” tin đầu độc là tin của bọn “xấu” xuyên tạc, gây hoang mang...và Tuyên giáo hỏi báo chí:
- Bằng chứng đâu mà gọi là đầu độc?
Phóng viên của một tờ báo hỏi ngược lại tuyên giáo:
- Bằng chứng đâu mà bảo là không có đầu độc?
Sư thật nằm ở đâu trong một xã hội khi trống đánh xuôi thì kèn lại thổi ngược?