Có lẽ trong tất cả thứ tình, tình người vẫn luôn luôn có chỗ đứng cao quý, bao dung và thương yêu nhất.
Christmas Day và New Year Day là hai ngày lễ lớn, không phải chỉ riêng của nước Mỹ mà gần như của tất cả loài người trên trái đất. Giữa hai ngày lễ này là những ngày nghỉ việc, sum họp gia đình, mua sắm và tặng quà lẫn những lời chúc tụng cho nhau.
(Hình minh họa: Getty Images)
Hình như ai cũng cảm thấy hạnh phúc, no đủ và phấn khởi trong những ngày này. Hầu hết trong túi ai cũng có tiền, ai cũng có một hai món quà dù nhỏ cho người thân, và cũng được nhận lại vài món quà, một hai tấm thiệp hay ít ra cũng vài câu chúc mừng. Ít có ai tưởng tượng ra rằng trong thời gian này, một người mẹ nghèo, khó khăn không đủ tiền mua một vỉ trứng gà cho con (được xem là món thực phẩm rẻ nhất ở Mỹ) mà phải đi ăn cắp.
Ngạn ngữ Pháp có câu: “Qui vole un oeuf, volera un boeuf” (Nói cho có vần là kẻ nào trộm một quả trứng, sẽ trộm một con bò), và tôi cũng không tin câu ngạn ngữ Anh: “Once a thief, always a thief.” Ăn trộm một lần là ăn trộm cả đời). Tôi nghĩ đời người ta có thể lầm lỡ nhưng không phải ai cũng theo con đường lầm lỡ ấy mãi. Ngày còn bé, tôi nhớ có lần nhón tay lấy của thân phụ tôi đồng bạc đem cho ông “kẹo kéo” đang kêu réo ngoài đường, nhưng từ đó đến nay, cho đến khi bạc tóc, tôi thề chưa hề nhám tay lấy của ai một đồng!
Bây giờ có một bà mẹ nghèo không những ăn cắp một quả trứng mà lấy cắp đến năm quả trứng. Các bạn cũng biết hệ thống siêu thị Dollar General ở miền Đông là một thứ chợ nghèo cũng như loại 99 cents ở California, một vỉ trứng chỉ có $1 mà bà Helen Johnson, 47 tuổi, ở thành phố Birmingham, Alabama, không đủ tiền để mua một vỉ. Bà đã lấy năm quả trứng bỏ vào túi áo khoác và lúc ra cửa, bà đã bị nhân viên an ninh chợ siêu thị giữ lại. Cảnh sát đến. Với tội tiểu hình bà Johnson có thể bị ngồi tù, lập biên bản chờ ngày ra tòa, nhưng thay vì lập biên bản và bắt người phụ nữ đáng thương lên xe, cảnh sát viên William Stacy đã mua một vỉ trứng tặng bà.
Hành động cao thượng của người cảnh sát viên Tarrant County đã được người chủ tiệm ghi lại bằng hình ảnh và gây được sự xúc động, chú ý của hàng triệu người dân trên toàn thế giới. Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây, vì hai ngày sau đó, bà run lên vì sợ hãi khi thấy xe cảnh sát đậu trước cửa nhà bà và cảnh sát viên William Stacy xuất hiện, bà thầm nghĩ, “Chết rồi, chắc là chuyện mấy cái trứng gà đây,” trong khi đứa cháu của bà hỏi. “Có phải bà sắp vào tù không?”
Nhưng không, ông William Stacy cùng với các đồng nghiệp đến nhà bà Helen Johnson và trao cho bà hai xe chất đầy thức ăn trong mùa Lễ Giáng Sinh năm nay.
Được một đài truyền hình địa phương phỏng vấn, trong nước mắt ràn rụa, bà Johnson cho biết gia đình bà rất khó khăn, vì vậy, họ luôn phải kiếm ăn từng bữa. Lúc bà đặt chân vào siêu thị Dollar General, mấy đứa cháu của bà ở nhà chỉ có mỗi đứa một lát bánh mì và thức ăn chính chỉ là cereal. Câu chuyện này được người chủ tiệm đặt tên là “feelgoodstoryoftheday.”
Một câu chuyện cảm động khác vừa được loan báo trong bản tin buổi chiều của đài CBS vào ngày 12 Tháng Mười Hai vừa qua, mà chính xướng ngôn viên Scott Pelly đã không ngăn được nước mắt sau khi đọc bản tin. Những người nghèo khó được nhận tiền bất ngờ đã khóc, và nếu sau khi vào link (*) dưới đây để biết câu chuyện ra sao, tôi tin hầu hết các bạn cũng sẽ rơi lệ. Khi những dòng chữ này đến với bạn, chắc đã có hơn 51 triệu lượt người vào facebook để xem câu chuyện.
Từ hơn 10 năm qua, mỗi năm, cứ đến dịp Giáng Sinh, một thương gia ẩn danh ở thành phố Kansas City, Missouri, thường trích ra $100,000 tiền mặt để tặng cho người nghèo. Năm nay, thay vì tự tay phát tiền, ông đã nhờ các nhân viên cảnh sát Jackson County, cũng thuộc thành phố Kansas City, lo việc này. Cảnh sát giao thông nhận nhiệm vụ chạy trên đường phố, chớp đèn, theo sau những chiếc xe đời cũ, trầy trụa, móp méo, ra lệnh người lái xe tấp vào lề. Thay vì giở sổ ra viết giấy phạt, người cảnh sát sẽ giao tặng cho người lái xe tờ giấy $100 như một lời chúc mừng Giáng Sinh của một ông già Noel bí mật! Nhìn phản ứng từ lo sợ phải bị đóng phạt đến kinh ngạc, cảm động khi thấy người cảnh sát trao một tờ giấy $100 cho mình, chúng ta mới thấy đem niềm vui cho người nhận là một hạnh phúc của người cho. Cảnh sát cũng đã nhận tiền của vị hảo tâm này để trao tặng cho những người có vẻ nghèo khổ mà họ nhận ra trong các siêu thị.
Cũng như câu chuyện ở New York trước Giáng Sinh năm 2002, Lawrence DePrimo, một viên cảnh sát ở New York City, trong một đêm giá lạnh, động lòng trắc ẩn khi thấy một người vô gia cư trên hè phố, chân trần, đang ngồi co ro giữa một ngày đông lạnh giá, đã mua cho ông này một đôi giày.
Có lẽ trong tất cả thứ tình, tình người vẫn luôn luôn có chỗ đứng cao quý, bao dung và thương yêu nhất. Trong thế giới của hận thù, giết chóc, tranh chấp, chia rẽ, nhưng câu chuyện đơn giản vừa rồi cũng là những que diêm được đốt lên, cố gắng đem lại một chút ánh sáng và hơi ấm của tình người.
Cuộc sống cũng cho ta những chuyện tình cờ như có bàn tay mầu nhiệm của ai đó sắp đặt như câu chuyện sau đây: Năm 2000, một cô bé tên là Joana, sống tại Manila, Philippines, đã nhận được món quà Giáng Sinh cùng với bức ảnh của cậu bé Tyrel Wolfe, ở Idaho, Mỹ, người gửi quà, qua cuộc trao đổi quốc tế. Hơn 10 năm sau, cô bé người Philippines ngày trước đã đi tìm cái tên Tyrel Wolfe qua Facebook, hai người bắt đầu trò chuyện, kết thân, yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Chỉ sau khi từ Mỹ bay đến Manila cử hành hôn lễ, Tyrel mới ngỡ ngàng biết ra, không ngờ người trước mặt mình là cô bé 14 năm về trước mình đã tặng quà.
Trong cuộc đời, nhiễu nhương, gian trá, lừa lọc cũng có những mối tình chung thủy, trong sáng làm cảm động lòng người.
Trong vụ tai nạn lật “xe giường nằm” ở Lào Cai, Việt Nam, ngày 1 Tháng Chín năm nay, chàng trai Phạm Công Trình, 25 tuổi, thoát chết nhưng bạn gái của anh, chị Đỗ Thị Lan, 24 tuổi, bị tử thương. Ngày đưa tang chị Lan về quê ở Bắc Ninh, anh Trình đã xin phép gia đình hai bên được trao nhẫn cưới cho người đã mất để thỏa ước nguyện nên vợ nên chồng.
Sở dĩ tôi nói đến chuyện nhiễu nhương, gian trá, lừa lọc trong cuộc đời này, là ngay trong câu chuyện cảm động trên, khi cô Đỗ Thị Lan tử nạn, có những con kên kên chuyên rỉa xác chết, trong toán cứu cấp hay những người qua đường, đã đánh cắp điện thoại của người chết để đòi anh Trình phải trả tiền chuộc, đó là chưa nói đến tiền bạc và tư trang của những người thiếu may mắn trong tai nạn này.
Chúng tôi cũng vừa đọc được một câu chuyện ở Việt Nam: Một tên cướp giật trên đường phố Sài Gòn đang bị người qua đường truy đuổi. Vì kẹt đường chạy, nên tên cướp đã leo lên vỉa hè định thoát thân, trong lúc một cụ già mù bán vé số đang cầm cây dò đường đang đi ngang trước đầu xe. Thay vì nếu chạy tiếp sẽ tông thẳng vào ông già, tên cướp thắng mạnh xe lại và chấp nhận bị bắt. Mọi người xúm lại bắt thủ phạm cướp giật giao cho công an, nhưng không như mọi lần khi bắt được kẻ gian, không một ai nỡ xuống tay để đánh tên tội phạm này cả. Phải chăng trong con người tội lỗi ấy, còn có “nhất điểm lương tâm?”
Trong mỗi con người ta ai cũng có thiện tâm, nhưng chẳng qua vì sinh lầm trong một xã hội đốn mạt, không như trong những xã hội khác, nơi mà người có thiện tâm được khuyến khích, thán phục, nâng đỡ, thì đây họ còn bị ruồng rẫy, khinh khi và luôn luôn chịu thiệt thòi.
Vào dịp Giáng Sinh và năm mới, xin cầu “bình an dưới thế” không chỉ riêng cho “người thiện tâm” mà với tất cả mọi người! Thế giới này sẽ vĩ đại, đẹp đẽ biết bao nhiêu khi có nhiều câu chuyện nhỏ đầy tính nhân ái như thế!
(*) www.facebook.com/video.php?v=10153003404704073&set=vb.340093714072&type=2&theater