Việt Nam thiếu một ngày lễ làm lành với nhau. Làm lành để tự chữa những vết thương lịch sử.
Có thể đây là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ đẹp cho nên cứ thả lỏng tâm hồn mà rung động với nó.
Nguồn cảm hứng bắt đầu từ "Thanksgiving, Lễ Tạ ơn" của Mỹ.
Người Mỹ có ngày lễ mà ý nghĩa của nó không cần phải bàn cãi cũng thấy tính nhân bản của xã hội Mỹ đã tác động lên văn hóa của một đất nước có hàng trăm chủng tộc khác nhau nhưng cách ứng xử hình như chỉ còn có một: chia sẻ và biết ơn.
Lễ Tạ ơn làm cho dân tộc này lớn mạnh. Nó san sớt những ân huệ mà thượng đế ban cho nó và người nhận được những ân huệ ấy hướng mắt lên chốn xa xăm mà tạ ơn một cách chân thành tự đáy lòng và sự chân thành ấy lan tỏa trong mỗi gia đình người Mỹ. Ý nghĩa thật của ngày lễ hòa vào mọi nhà, kể cả những di dân chân ướt chân ráo mới tới đất nước này biết được rằng họ đang hưởng thụ ân sủng của thượng đế và ân sủng ấy không kỳ thị bất cứ màu da nào trên xứ sở này. Mọi người đều bình đẳng chia sẻ niềm vui ấy.
Chưa có ai nói rằng sự lớn mạnh của đất nước do công của một cá nhân, lãnh tụ nào của nước Mỹ mặc dù quốc gia này không thiếu những lãnh tụ thực sự vĩ đại. George Washington vĩnh viễn là một vĩ nhân, được tôn trọng và biết ơn nhưng chưa bao giờ được tôn thờ hay đòi hỏi phải có những lễ lạc to lớn hầu vinh danh cho cá nhân ông. Lý do đơn giản: tôn sùng lãnh tụ làm cho đất nước, con người tụt hậu. Mãi ăn theo một nấm mồ, lăng tẩm sẽ quên mất rằng tương lai không thuộc về người đã chết.
Việt Nam có rất nhiều lễ lạc nhưng cho tới nay chưa có một ngày lễ nào kết nối cả đất nước vào một ý nghĩa chung, ý nghĩa có thể thay đổi diện mạo một dân tộc vượt lên trên cái thường được người dân đồng tình và chính phủ thích thú: kinh doanh, hưởng thụ và tự sướng.
Sự phân rẽ ngay trong các ngày lễ cho thấy đất nước chưa bao giờ vượt qua được lằn ranh thù hận. Ngày quốc khánh nào hợp lý nhất của Việt Nam? Phải gọi ngày 30 tháng 4 là ngày gì mới đồng thuận cho cả trong lẫn ngoài? Sinh nhật của lãnh tụ có ý nghĩa gì khi chính cái tiểu sử của ông hay bà ấy có vấn đề nghiêm trọng bởi ý đồ làm mới và sửa đổi chi tiết nhân cách một cách không lương thiện? Tại sao lại có ngày Quân đội nhân dân khi quân đội chỉ là công cụ do người dân đóng góp tiền bạc xương máu để bảo vệ quốc gia đất nước?
Việt Nam thiếu một ngày lễ làm lành với nhau. Làm lành để tự chữa những vết thương lịch sử.
Làm lành để tự rửa sạch vết bẩn trong tâm hồn của mỗi công dân. Làm lành để ấp ủ và hâm nóng lại đạo đức trong đám đông. Làm lành với nhau để thấy rằng không có ai trong cộng đồng là hoàn hảo và vì vậy chỉ có làm lành mới có thể trám được vết nứt giữa người với người, nhất là đồng bào đồng chủng.
Làm lành không thể được thực hiện một cách chung chung, đại trà qua các phong trào ồn ào khoa trương và kệch cỡm. Làm lành không thể được đưa ra từ kẻ mạnh đối với người yếu đuối trong khi hai tay khoanh chặt trước ngực với tư thế chủ nhân.
Làm lành mà không xin lỗi thì vô ích. Một nụ cười cầu tài kiểu Trung Quốc chỉ làm người nhận quên trong một thời khắc mà không có bất cứ sự chia sẻ nào tự đáy lòng. Làm lành bằng nụ cười giống như lấy cát chà xóa vết dơ trên chén đĩa vừa mới ăn xong. Sạch bởi áo giác và vết dơ vẫn còn đó.
Xin lỗi là hành động thiết thực nhất chứng tỏ sự làm lành từ tâm nguyện.
Xin lỗi không những làm lành vết nứt giữa hai đối tượng mà nó còn tự hoàn thiện cho người nói tiếng xin lỗi trong việc làm, cách cư xử hàng ngày của mình. Xin lỗi làm cho người ta lương thiện hơn, cẩn thận hơn trong từng công việc hàng ngày.
Trong buổi sáng tinh mơ của Ngày xin lỗi, Việt Nam choàng dậy với người nông dân ở thôn quê khi vỗ vào đầu con trâu của mình và nói với nó rằng, xin lỗi con ta đã tận dụng sức lực của con nhiều quá, thôi thì mình ráng thêm chút nữa để mùa lúa năm nay tốt tươi mà con không quỵ ngã nửa chừng nhé.
Ngày xin lỗi làm tiếng rao hàng của người mua gánh bán bưng trong trẻo và yêu đời hơn vì trong thâm họ biết rằng chắc ai đó sẽ xin lỗi mình hôm nay khi lỡ miệng nói những điều không phải.
Quốc hội Việt Nam bắt đầu Ngày xin lỗi với cái cúi đầu tập thể thật sâu trước cử tri của mình. Xin lỗi về những sai sót, bất cẩn và vô trách nhiệm nằm sâu thẳm trong từng đại biểu. Cái cúi đầu ấy không làm cho Quốc hội nhỏ lại mà ngược lại dù bị o ép thế nào đi nữa trong lương tâm của họ sẽ tự gióng lên tiếng chuông tự trọng của lời xin lỗi.
Chính phủ bắt đầu Ngày xin lỗi trong tâm thế của người công chức chứ không phải là lãnh đạo theo ngữ nghĩa quan quyền. Hãy thật sự suy nghĩ trước khi xin lỗi về điều gì đang làm cho người dân đau khổ và trách nhiệm ấy phải được công khai nhận lãnh qua lời xin lỗi chân thành.
Trong Ngày xin lỗi, báo chí nghỉ nửa ngày vào buổi sáng như một cách tĩnh tâm, suy nghĩ và xin lỗi về trách nhiệm của mình đối với độc giả. Lời xin lỗi ấy sẽ được công khai trên trang nhất tờ báo vào bản tin buổi chiều sẽ cho thấy tầm cao và bản lĩnh của từng tờ báo.
Không những học sinh xin lỗi thầy cô giáo mà từng bậc cha mẹ cũng xin lỗi con cái về những hành xử bất công đối với chúng. Tu sĩ xin lỗi giáo dân, tín đồ. Người công nhân xin lỗi chủ nhân về những gì mình sai phạm.
Chủ nhân không phải là gỗ đá để không thấy rằng trong cả năm qua không làm gì quá đáng đối với công nhân và lời xin lỗi nếu không được đưa ra đáp trả họ sẽ nhận lại bằng những cái nhìn khinh bỉ.
Không có ai là không có lỗi trong xã hội và Ngày xin lỗi là cơ hội để từng người nhìn lại một năm đầy những lỗi lầm.
Người Kinh nếu có cơ hội lên vùng sâu vùng xa hãy thốt lời xin lỗi với đồng bào thiểu số của mình ngay cả khi trong mỗi cá nhân người Kinh không trực tiếp làm ra lỗi gì. Cái lỗi duy nhất mà trong mỗi người Kinh phải chịu là không tác động lên chính quyền đủ mạnh để có chính sách nâng đỡ những tộc người nghèo khó hơn họ, yếu ớt hơn họ và nhất là bị bao vây cô lập bởi núi rừng, dốt nát và lạc hậu hơn họ.
Và Ngày xin lỗi không thể thiếu những lời xin lỗi cần thiết và ý nghĩa nhất: Lời xin lỗi đối với hàng triệu đồng bào trực tiếp hay gián tiếp bị thúc đẩy, xua đuổi ra khỏi đất nước Việt Nam.
Lời xin lỗi từ những ai đã từng mù quáng hô hào các cuộc chiến tranh thần thánh gây ra cái chết cho hàng triệu chiến binh cả hai miền đất nước cũng như để lại hậu quả cho người còn sống. Xin lỗi cho người sống, kẻ chết là cách hàn gắn hố phân ly và khi ngày lễ ý nghĩa này trở thành truyền thống sẽ là niềm tự hào dân tộc chứ không phải từ những tự hào vớ vẩn nào khác.
Người Nhật có cái cúi đầu thật sâu, Người Mỹ gắn liền trên môi câu xin lỗi khi tiếp xúc với xã hội. Việt Nam mỗi năm chỉ có một ngày xin lỗi nhưng nếu cả nước cùng xin lỗi thì sự vượt qua được tâm lý tự kỷ ít nhiều trong mỗi con người không đáng là niềm tự hào hay sao?