main billboard

Những chế độ đòi “đứng vững ngàn năm” như chế độ của Hitler ở Đức, chế độ Liên Xô ở Nga, đã chứng tỏ không đứng vững nổi trăm năm.


buctuong balinh supdoNgày 9 Tháng Mười Một, 1989 tôi còn ở Việt Nam, đang thấp thỏm chờ giấy tờ xin đi Úc. Thấp thỏm vì đó là tình trạng bình thường của một người dân sống trong chế độ Cộng Sản. Thành ra khi một đêm nằm nghe đài BBC và VOA, tôi giật bắn mình khi nghe Bức Tường Berlin đã sụp đổ. Đột nhiên, cái cảm tưởng nhẹ nhõm là một chuyện không thể tưởng tượng được cũng có thể xảy ra. Hôm đó, hẳn có nhiều người Việt ở miền Nam mê ngày một chế độ sụp đổ như chế độ Đông Đức đã sụp đổ.

Cách đây năm năm, tôi đã đến Berlin để tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Tôi đã đi thăm phần còn được giữ lại của bức tường ô nhục đó, mà mỗi mảnh tường đã trở thành một tác phẩm được vẽ bởi các họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Tôi đã chịu mưa để xem những quân bài domino khổng lồ sụp đổ vào đúng giờ mà bức tường thực sự sụp đổ. Tôi đã cùng người dân Đức và biết bao du khách chứng kiến nghi thức ở Khải Hoàn Môn Heidelberg.

Nhưng dù rất xúc động, vẫn còn một cảm tưởng như sống trong một giấc mơ. Nó có một cái gì không thực cho đến hôm nay khi tôi được đọc một bài của một nhà văn thuộc Đông Đức cũ, viết về cái ngày hôm đó.

Thomas Brussig viết, “Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 là một cái gì mà chúng ta không có thể hiểu nổi; nó phải được cảm thấy. Một chữ đã buột ra từ cửa miệng của những người đã có mặt ở đó ‘Wahnsinn.’ Nó buột ra như là một tiếng kêu, một thứ nằm giữa một lời thì thầm và một tiếng la. Điên dại. Khùng điên. Ối chà.”

Theo Brussig nó là một sự vui sướng không ai có thể diễn tả thành lời, những người chia sẻ nó không biết cách nào tả được nó. Có lẽ chưa bao giờ có được một biến cố mà đã mang lại một sự bùng nổ cảm giác sung sướng như sự sụp đổ của Bức Tường. Những hình ảnh đó nay nằm trong ký ức của nhân loại.

Ông giải thích, đối với người Đức, vốn được biết “ít xúc động,” biến cố này là trời cho, và một thứ gì đến từ một thế giới khác. Sau cùng, một chương trong lịch sử của người Đức mà có thể được nhìn thấy một cách tích cực không phải dè dặt tí nào cả. Sau cùng, một cái gì có thể đưa người dân Đức đến một tình trạng sung sướng mà không một quốc gia nào khác bị đe dọa, bị nhục mạ hay bị đè nén. Sau cùng, người Đức có thể cảm thấy sung sướng mà không phải lo bị lương tâm cắn rứt.

Ông bảo cảm tưởng đó chỉ có thể có được là vì sự sụp đổ của Bức Tường xảy ra một cách quá ngạc nhiên. Nó thực sự là do nhân dân tự làm. Bình thường một sự việc như vậy chỉ có thể là qua điều đình, hay chiến tranh. Trong trường hợp này, những thế lực khác, những người dân Đông Đức bình thường, đã chủ động. Và họ không có cả đến một lãnh tụ hay một người cầm đầu nào cả dẫn họ đến thống nhất.

Ông bảo nếu bao giờ có một tượng đài được dựng lên để tưởng niệm sự sụp đổ của Bức Tường, sẽ không có một cá nhân nào có thể được dựng lên trên tượng đài đó. Có rất nhiều tên tuổi và gương mặt liên hệ đến mùa Thu năm 1989, nhưng khi đi tìm một nhân vật quyết định, các nhà nghiên cứu sau cùng đã chọn ông Harald Jager. Ông ta chỉ là ông sĩ quan công an chỉ huy trạm biên giới Borholmer Strasse nơi mà Bức Tường đã bị vỡ đầu tiên. Ông đã không ra lệnh bắn, thay vì vậy ra lệnh cho mở rào cản, và do đó đã mở đường cho đêm hôm đó xảy ra trong an lành. Brussig tin là có lẽ đã từ lâu sự đồng thuận ở người dân Đông Đức, những người biểu tình cũng như những người cầm quyền, là nó phải ôn hòa.

Chính vì một biến cố lịch sử xảy ra không bạo động hay không có lãnh tụ đã là một trong những điều hão huyền của mùa Thu năm đó.

Điều cũng đáng ngạc nhiên không kém là không ai tiên đoán nói xảy ra. Tôi còn nhớ ngồi nói chuyện với những nhà chuyên môn nghiên cứu về chế độ Cộng Sản, những Kremlinologist, và hỏi họ, “Thế quý vị có ai tiên đoán vụ sụp đổ của Bức Tường Berlin hay không?”

Một chuyên gia nổi tiếng về chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, Giáo Sư P. J. Honey đã lắc đầu bảo, “Cho đến cách đó một tháng chúng tôi còn đang lo về một sự thay đổi trong chính sách của Liên Xô!”

Dĩ nhiên tuy không ai tiên đoán sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sau khi chuyện đó xảy ra, ai nay cũng tin đó là một chuyện đương nhiên sẽ xảy ra. Đã có không biết bao nhiêu phân tích về tại sao nó xảy ra, về những lý do kinh tế, chính trị và xã hội đã dẫn đến sự sụp đổ từ bên trong của chế độ.

Brussig viết một câu rất lý thú, “Người ta không thể tưởng tượng ra tương lai (và nó sẽ càng khó hơn khi nó khác hẳn với quá khứ). Nhưng một khi tương lai đã đến thì nó bị coi như là đương nhiên và không có cách nào khác.”

Và ông kết luận với một câu rất chí lý, “Dù sao chăng nữa, mùa thu năm 1989 là một bài học cho tôi. Tôi đã chứng kiến cách nào một chế độ dựng nên cho muôn đời lại sụp đổ. Việc này dẫn đến việc tôi nay coi mọi sự hiện tại là tạm thời. Những ai tin là họ sống trong một trật tự xã hội ấn định và ổn định chỉ là những người tìm cách củng cố cho sự thiếu trí tưởng tượng của mình. Vả lại, một cuộc cách mạng là một kinh nghiệm tuyệt vời. Tôi sẵn sàng cho mỗi thế hệ cuộc cách mạng của họ. Nó là một cảm giác tuyệt vời khi trải qua được kinh nghiệm khi cái tốt chiến thắng và phép lạ có thể xảy ra.”

Ở một khía cạnh nào đó, những điều ông nói cũng đúng cho những chế độ độc tài khác. Có những người nhìn những sinh viên học sinh Hồng Kông tranh đấu chống lại chế độ của Bắc Kinh mà nói, “Đúng là chuyện châu chấu đá voi.” Họ nói là những gì những người sinh viên học sinh ở Hồng Kông mong ước là không tưởng. Trung Quốc sẽ không đời nào cho phép Hồng Kông được thực sự có một chế độ dân chủ.

Và có lẽ chính vì vậy mà một số các nhân vật lớn tuổi hơn trong nhóm Chiếm Trung đang muốn chấp nhận dung hòa. Họ muốn đồng ý một đề nghị của Bắc Kinh cho phép một số đại diện của họ và của sinh viên tham gia vào hội đồng 2,000 người tuyển chọn ứng viên.

Nhưng sinh viên học sinh từ chối nói rằng đó là một sự đầu hàng.

Khi Joshua Wang khẳng định, “Nhưng tôi tin là tranh đấu là làm cho cái không thể có được trở thành có được,” anh đã nói lên điều mà nhà văn Brussig muốn nói về sự sụp đổ đột ngột của một chế độ độc tài.

Những chế độ đòi “đứng vững ngàn năm” như chế độ của Hitler ở Đức, chế độ Liên Xô ở Nga, đã chứng tỏ không đứng vững nổi trăm năm. So với tuổi thọ của nhân loại, ngay cả so với tuổi thọ của những nền dân chủ Tây phương như nền dân chủ của nước Anh, các chế độ độc tài như chế độ hiện đang cai trị ở Hoa Lục hay chế độ hiện đang cai trị ở Việt Nam chỉ là trẻ nhỏ.

Rồi sẽ có một ngày chúng ta có thể nói như Brussig: “Nó là một cảm giác tuyệt vời trải qua được kinh nghiệm khi cái tốt chiến thắng và phép lạ có thể xảy ra.”