main billboard

Bởi không có gì kinh khủng cho tinh thần con người bằng những ngày tù không biết bao giờ kết thúc.


“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại,” một câu nói rất bình thường nhưng chỉ có những người đã từng ở tù thì mới thật hiểu ý nghĩa cay đắng của nó.

Sau năm 1975, “nhờ ơn” Đảng Cộng Sản Việt Nam, rất nhiều người Việt sống ở miền Nam “được đi tù.” Đại đa số những người bị vào tù trong giai đoạn đó chẳng có lý do gì chính đáng. Tôi còn nhớ trong khu nữ của Khám Chí Hòa vào năm 1975 có khoảng vài chục phụ nữ, vài người còn có con nhỏ. Trong số họ có hai chị em một cô bị bắt vào tù vì lý do “thuê nhà cách mạng.” Số là hai cô thuê một căn nhà ở cứ tưởng chủ nhân căn nhà là chủ nhân căn nhà. Không dè sau năm 1975, một hôm một ông mang theo mấy anh công ăn khu vực đến nói nhà này là nhà của ông ta và hai cô đã thuê lậu. Thế là họ bị tống giam.

Trong những năm tháng ở tù đó, một hôm một bà vốn đã là “cán bộ” Việt Cộng nhưng về đầu chánh nên sau năm 1975 bị bắt vô tù, tuyên bố với các bạn trong phòng giam: “Các chị có biết là luật nước ta có điều khoản về tội phản quốc, trục xuất ra nước ngoài tước bỏ quyền công dân hay không?” Lập tức mọi người ồ lên: “Thế hả?” Một cô trẻ tuổi, trong số sinh viên bị bắt trên đường tìm ra biển kiếm tàu chạy trốn chế độ mà chính quyền gọi là “tội vượt biên,” mỉm cười bảo, “Em chỉ ước gì nhà nước cho em tội phản quốc.”
Mà quả thật, cô em nhỏ đó đã nói lên tâm sự của tất cả chúng tôi trong phòng tù hôm đó.

Thú thật là sau khi ra khỏi nhà tù, rồi đi ra sống ở ngoại quốc, tôi cũng chưa từng tìm hiểu xem điều bà “cán bộ” đó nói có đúng không.
dieucay nguyenvanhai 9Sở dĩ tôi lan man nói chuyện ở tù chỉ vì chuyện ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có vẻ như mới được nhà nước “ban cho cái tội phản quốc đó và trục xuất ra khỏi nước.”

Đã nhiều người viết về việc ông Hải được hay bị nhà nước Hà Nội trục xuất sang Hoa Kỳ. Chỉ nội trên Dân Làm Báo đã có nhiều bài.
Có những bài như bài chào đón “Ánh Sáng Điếu Cày” của Blogger Trần Trung Đạo thì cho là Đảng Cộng Sản Việt Nam nghĩ là mình khôn ngoan khi trục xuất ông Điếu Cày ra khỏi Việt Nam, bởi “theo họ, tên anh gắn liền với các phong trào chống chủ nghĩa Đại Hán Bá Quyền Trung Cộng; phong trào do anh lãnh đạo chẳng những không bị dập tắt dần theo năm tháng tù đày của riêng anh nhưng đã mỗi ngày một phát triển rộng; để anh ở lại là một mối lo canh cánh bên lòng.”

Nhưng blogger khẳng định là nhà nước Hà Nội như vậy là sai lầm lớn, bởi “Không giống như 70 ngàn người Nga lưu vong ở Paris sau cách mạng Cộng Sản năm 1917 hay hàng trăm ngàn người Việt lưu vong ngay sau Cộng Sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, người Việt Nam tự do hôm nay không còn mang tâm trạng lưu vong nữa. Thời đại hôm nay là thời đại của những người chết đang bắt đầu sống lại và người đi đang lần lượt quay về. Anh Điếu Cày cũng vậy, trong lòng anh không có khái niệm lưu vong, anh ra đi là để quay về. Và chúng ta sẽ về.”

Trong khi đó, một blogger khác cũng trên Dân Làm Báo thì chỉ trích “Điếu Cày bị ép rời Việt Nam - Nước cờ sai của Hoa Kỳ.”

Trong bài báo đó, Blogger Nguyễn Ngọc Già đã mang Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị cùng với hiến pháp của Hà Nội ra để khẳng định là việc cưỡng bách ông Hải ra sống ở nước ngoài là phi pháp và việc chính phủ Hoa Kỳ nhận đón ông Hải là “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tiếp tay với Cộng Sản Việt Nam làm điều phi pháp và phi đạo lý đối với dân tộc Việt Nam.”

Thú thật tôi chỉ là một nhà báo quèn, tuy cũng có đọc qua Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như bản Hiến Pháp của chính quyền hiện nay ở Hà Nội, nhưng không hiểu là liệu nhà nước có quyền hay không có quyền trục xuất dân mình và Hoa Kỳ có chính đáng hay không trong việc tiếp nhận những người bị trục xuất. Nhưng tôi vẫn còn nhớ Liên Xô đã bắt và trục xuất Aleksandr Solzhenitsyn đi Đức sau khi tước đoạt quyền công dân của nhà văn. Và sau cùng, Viện đại học Stanford đã mời ông sang sống ở Hoa Kỳ trước khi ông về sinh sống ở Vermont. Dĩ nhiên trường hợp của ông đã kết thúc tốt đẹp vì Liên Xô thay đổi và ông đã trở về sống lại ở quê hương mà ông không bao giờ quên.

Vả lại, công tâm mà nói, một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, hay Anh Quốc thường nghĩ là thà để cho một con người được tự do dầu là phải biệt xứ còn hơn là tiếp tục để họ bị lưu đầy khi lựa chọn chỉ thu vào còn có như vậy thôi.

Hơn thế, là một trong những công dân miền Nam đã ngồi tù của chế độ Hà Nội, tôi quả thật vui mừng khi thấy ông Điếu Cầy được tự do. Bởi không có gì kinh khủng cho tinh thần con người bằng những ngày tù không biết bao giờ kết thúc. Bởi ở tù trong chế độ Cộng Sản Việt Nam ngày nay có nghĩa là vậy. Vì chính quyền sợ ông Hải, họ sẽ tìm cách này hay cách khác để tiếp tục giam giữ ông.

Tôi cũng vô cùng kính nể ông khi ông từ chối không chịu đầu hàng chế độ, ký giấy nhận tội, mặc dù nếu nhận tội thì có lẽ ông đã được trả tự do và có lẽ đã không phải đi lưu vong. Đó là một sự can đảm và kiên cường mà ít người có thể đạt được. Bản thân tôi, nhiều khi tự nghĩ nếu mình ở trong vị thế đó thì liệu có đủ kiên cường để làm vậy hay không?

Dĩ nhiên cuộc sống tha phương sẽ rất nhiều khó khăn. Solzhenitsyn chẳng hạn đã “bỏ trốn” về Vermont vì không chịu nổi sự xoi bói và chú ý của báo chí Tây phương cũng như của thế giới bên ngoài.

Có người sẽ đặt câu hỏi như họ đã đặt câu hỏi là tại sao những người như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt hay Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ có làm được gì đâu? Thú thật mỗi khi nghe câu hỏi đó, tôi muốn hỏi lại, “Thế quý vị muốn họ làm gì?”

Đúng là trong cái thời buổi của Internet ngày nay thì ngồi ở đâu cũng có thể blogg, có thể viết. Nhưng những bài blog, những bài nói chuyện, nhưng cuộc đối thoại ở hải ngoại có ảnh hưởng gì đến những gì trong nước không lại là chuyện khác. Tiếng nói của Điếu Cày ở hải ngoại sẽ không còn là tiếng nói của Điếu Cày ở trong nước nữa. Và hơn thế, ông sẽ không còn có thể ra đứng trước nơi mà nay chính quyền gọi là Nhà Hát Thành Phố, nhưng tôi vẫn còn đinh ninh đó là Tòa Nhà Quốc Hội, để trương bảng chống Trung Quốc nữa.

Nhưng có thể tôi lầm. Tiếng nói của Điếu Cày ở hải ngoại sẽ còn hùng hồn hơn trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bênh vực những người vẫn còn bị tù, và tất cả nhân dân Việt Nam vẫn còn phải chịu đựng một chế độ tham quyền cố vị.

Điều quan trọng hơn hết theo tôi là hai chữ “tự do.”

Một ông tù đã kể cho tôi nghe là hồi bị giam ở ngoài Bắc có một người bạn tù đã công phu làm một cái chuồng chim, bắt một con chim bỏ vào đó và khắc một tấm bảng thật đẹp: “Không có gì quý hơn độc lập tự do.” Ông bạn tôi kết luận: “Bọn Cộng Sản cái gì cũng sai chỉ có mỗi một câu đó là đúng.”