Trong ngày 15 tháng 10, 2104, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng, “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình.”
Từ một nền kinh tế bế tắc và kiệt quệ, sau 24 năm “mở cửa” và chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa), vào năm 2010 Việt Nam đã bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình (thấp) với mức bình quân đầu người là 1,068 USD.
Theo Ngân Hàng Thế Giới (WB), GDP bình quân đầu người năm 2013 của Việt Nam là 1,910 USD/người, Lào 1,645 USD/người, Cambodia 1,007 USD/người; Miến Ðiện 900 USD/người.
Trong ngày 15 tháng 10, 2104, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng, “Nếu vẫn phát triển như hiện nay, các nước này chỉ mất 3-5 năm tới là vượt mình.”
Bán đảo Ðông Dương gồm Việt Nam, Lào và Cambodia, trong đó Việt Nam được xem là quốc gia có nhiều lợi thế hơn dường như đang thuộc về quá khứ.
Trong giai đoạn 2011-2013 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khựng lại chỉ còn đạt trên 5%/năm. Mức 7-10% của giai đoạn trước đó bây giờ chỉ còn là niềm mơ ước. Việt Nam thực sự đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình.”
Bẫy thu nhập trung bình được định nghĩa là tình trạng trong phát triển kinh tế khi một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định và giậm chân tại mức thu nhập này, không thể nào vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.
Theo nhận định của các chuyên gia thì phải tới năm 2058 Việt Nam mới thoát “bẫy thu nhập trung bình,” tức là non nửa thế kỷ nữa. Việt Nam thuộc nhóm phải mất nhiều thời gian nhất để cải thiện nền kinh tế trong các nước Châu Á.
Do đâu mà bức tranh kinh tế Việt Nam ảm đảm thậm tệ như vậy?
Bởi vì cho đến nay, dù bước sang một nhóm mới nhưng Việt Nam vẫn là nước nghèo, nền kinh tế phát triển đơn điệu, thụ động, chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên thô và bán sức lao động.
Kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều yếu điểm mà biểu hiện đầu tiên là tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại, năm 2012 có mức tăng trưởng thấp nhất trong 15 năm, năm 2014 tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn khoảng 5.5%, trong khi Lào và Cambodia vẫn duy trì mức 7%/năm.
Chúng ta hãy xem xét ba động lực trụ cột của nền kinh tế Việt Nam hiện nay: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Hàng chục ngàn nếu không nói là gần 100 ngàn doanh nghiệp tư nhân, trong thời gian qua bị phá sản còn không thì cũng teo tóp lại vì thiếu vốn, thiếu thị trường.
Việc “chạy” từ sân sau của ngân hàng để có được vốn là rào cản lớn nhất khi doanh nghiệp tư nhân muốn bước qua cửa ngân hàng. Vụ Ðoàn Tiến Dũng, phó tổng giám đốc Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lập “sân sau,” ép khách hàng phải “chung chi” để được giải ngân, chỉ là một ví dụ nhỏ (bị lộ) trong cái “luật” mafia của hệ thống Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Trong giai đoạn những năm của thập niên 90, Tăng Minh Phụng (đã bị xử tử hình năm 2003 trong vụ án Epco-Minh phụng) từng cho tôi hay rằng, có lúc ông ta phải “lót tay” cho lãnh đạo ngân hàng tới 10% tổng số tiền vay!
Doanh nghiệp nước ngoài FDI, động lực thứ hai đóng góp quan trọng vào GDP đang có xu hướng suy giảm. Một số ngành như công nghiệp ô tô rút khỏi thị trường Việt Nam các dự án lớn vì phía Việt Nam không cung cấp được dịch vụ hỗ trợ, không thể mua được các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện...
Trong khi đó, vừa qua Cambodia đã tự sản xuất thành công chiếc ô tô đầu tiên mang tên “Angkor EV 2014,” được điều khiển bằng điện thoại thông minh, có trang bị hệ thống GPS, vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek thiết kế.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Cambodia và Lào, một nước trước đây chưa từng được coi là “đối thủ” cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam.
Bí bách nhất là hệ thống chính trị độc quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam không thoát ra khỏi vũng lầy ý thức hệ. Nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn giữ chính sách cho doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò “chủ đạo.”
Doanh nghiệp nhà nuớc được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, được ưu đãi về vốn, khi cần thiết còn được chính phủ bảo lãnh vay của nước ngoài và cho huề cả làng nếu không ăn nên làm ra (như tập đoàn Vinashin là một điển hình). Các doanh nghiệp nhà nước cũng là cái nôi của tệ nạn tham nhũng, rút ruột công trình làm giàu cho bản thân, đồng thời cũng là chất keo kết dính quan chức nhà nước với chế độ. Chiếm gần 70% nguồn lực của quốc gia, nhưng đóng góp của khu vực nhà nước cho nền kinh tế chỉ dưới 30% và vẫn tiếp tục trên đà đi xuống.
Nợ công chính thức (theo cách của Việt Nam không tính nợ của doanh nghiệp nhà nước) đã tới ngưỡng rủi ro, 64% GDP, trong khi nợ của các doanh nghiệp nhà nước là 1.35 triệu tỷ đồng (tương đương 65 tỷ USD). Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's nợ xấu chiếm đến 15% tổng tài sản xã hội, chứ chẳng phải chỉ 500 ngàn tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD) trên số vay như Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình thừa nhận. Tất cả các khoản nợ đang gây áp lực nặng nề lên đời sống xã hội.
Tình trạng tham nhũng, lợi ích thân hữu, lợi ích nhóm, được xem là yếu tố cản trở, kìm hãm nền kinh tế không những không suy giảm mà còn tăng lên với xu hướng “ổn định.”
Năng suất lao động xã hội của Việt Nam nhìn chung kém, kỹ năng lao động thấp, nên Việt Nam không phải là nơi có thể phát triển các nền ngành công nghiệp có chất lượng.
Khả năng sáng tạo của Việt Nam được đánh giá chỉ ở mức trung bình, xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, theo tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit.
Gạo là mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn cũng đang thua kém Cambodia. Cambodia đang có kế hoạch đưa gạo vào thị trường Mỹ, Hàn Quốc, trong khi gạo Việt Nam vẫn dựa chủ yếu xuất sang Trung Quốc, một vài nước trong khu vực Ðông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia và các nước Châu Phi.
Vào năm 2015, Việt Nam phải dành 25% tiền thu về cho ngân sách để trả nợ, 72% trả lương nuôi bộ máy kép cồng kềnh vừa của nhà nước, vừa của đảng cộng sản, chỉ còn có 3% đầu tư phát triển. Số tiền thu về cho ngân sách 1 đồng chi đến 1.5 đồng, vẫn phải vay nước ngoài các khoản mới để trả cac khoản nợ cũ đáo hạn. Nếu như không có món tiền kiều hồi nhiều tỷ USD chính thức hàng năm, một món tiền tươi, thóc thật, chắc chắn khoản thanh toán nợ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Với một bối cảnh ảm đạm như thế mà nhà cầm quyền vẫn cố tìm vốn đầu tư vô tội vạ cho những công trình công cộng lớn, tốn kém, bất hợp lý. Ðất nước thì nghèo mà tỉnh nào cũng đua nhau xây dựng sân bay, trong khi chỉ có ba sân bay Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng và Nội Bài là có lãi.
Lấy đâu tiền để xây sân bay Long Thành với vốn đầu tư 8 tỷ USD và hiệu quả kinh tế của nó là những câu hỏi bức thiết được đặt ra. Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên với vốn đầu tư lên tới 3.1 tỷ USD, lỗ hàng chục triệu đô la mỗi năm, vẫn chưa phải là bài học nhãn tiền.
Tóm lại, với kiểu “phát triển như hiện nay” và vạch ra quy hoạch, dự án chỉ cốt để kiếm chác, trong vòng vài năm tới nếu Việt Nam thua kém cả Lào, Cambodia về thu nhập cũng là điều dễ hiểu.
Tuyên bố của Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rằng, phấn đấu tới năm 2020, tức là chỉ còn 6 năm nữa, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030, sẽ là nước lớn về công nghiệp điện tử, quả thực là “chém gió” không mất thuế, ảo tưởng.