Những sai sót tầy đình mà người ta tìm thấy gần như ở mỗi trang, vậy mà trong suốt 13 năm vẫn không có một tiếng nói nào lên tiếng về những sai lầm thảm hại đó.
Một cuốn từ điển tiếng Việt ghi ngoài bìa “dành cho học sinh” do nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2001, và được in lại với hai, ba cái tên (tác giả) khác nhau đang được đem ra nói khá nhiều trong những ngày qua trên mấy tờ báo trong nước.
(Ảnh trên Net)
Nó được nhắc tới không phải vì hay, mà vì nó quá dở, quá bậy bạ, láo toét. Một số (khá nhiều) những định nghĩa đọc lên rất buồn cười (tức là buồn mà cười, như theo cách định nghĩa ở trang 75 của cuốn tự điển này).
Hãy đọc thử vài ba định nghĩa của nhà làm từ điển Vũ Chất:
Buông xuôi: chết, thả duỗi hai tay ra.
Buồn thiu : buồn trong quạnh hiu.
Buồn chán: buồn, chán không muốn làm gì.
Tù trưởng: người đứng đầu trong nhà tù.
Cào cấu: cào và cấu.
Khai quật: đào mồ lên.
Đạo sỹ : người theo tôn giáo.
Bồ bịch: bạn bè thân thích.
Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả.
Ngồi: đặt đít xuống chỗ nào.
Bản sắc: mầu tự nhiên.
Bế mạc: hết dứt buổi hát.
Thơ ngây: ngây thơ.
Lâu đài: lầu và đền đài.
Đồn trưởng: trưởng đồn.
Nắn bóp: nắn và bóp.
Bóp: dùng bằng tay bóp.
Bố ráp: làm cho khiếp sợ và vây bắt ai.
Bồ liễu: loại cây có lá liễu để ví người con gái.
...
Vũ Chất, người làm cuốn từ điển này là một nhân vật rất bí mật. Cho đến nay người ta không biết ông ta là ai. Ngoài cuốn từ điển, ông ta không có một tác phẩm nào khác, một bài viết dài hay ngắn nào. Ngay cả những người biết nhiều về các sinh hoạt sách vở cũng không biết mặc dù đã mất nhiều công tìm hiểu. Mọi cố gắng đều không trả lời được thắc mắc Vũ Chất là ai.
Ở một nơi mà bất cứ một cuốn sách, một tài liệu in ấn, bất cứ một bài viết nào cũng phải duyệt xét kỹ lưỡng (kể cả những tập nhạc, như tập nhạc của Trịnh Công Sơn) để loại bỏ mọi sai sót hay bất cứ một chi tiết nào bất lợi cho nhà cầm quyền, thì cuốn từ điển này có mặt từ năm 2001, lại còn được in lại dưới nhiều tên khác vẫn còn nguyên những định nghĩa ngu xuẩn nhiều không thể kể ra cho hết được thì không hiểu được.
Như tất cả những ấn phẩm in ở Việt Nam, ở trang cuối bao giờ cũng ghi tên người chịu trách nhiệm xuất bản. Tưởng như thế là bản thảo đã được đọc kỹ, mọi sai sót đều được sửa chữa trước khi đem in. Vậy thì tại sao cuốn từ điển của Vũ Chất lại có những định nghĩa láo toét như thế?
Người ta chỉ có thể hiểu những sai sót đó được để nguyên, giữ nguyên như vậy là vì người chịu trách nhiệm xuất bản là người quá dốt.
Phải quá dốt nên mới để nguyên những định nghĩa ngây ngô và ngu xuẩn như đế quốc là nước có vua! Mà những định nghĩa láo lếu như thế thì hầu như trang nào cũng thấy, đầy trong sách.
Thế còn những người khác làm việc trong nhà xuất bản bộ cũng ngu cả hay sao? Người ta có lý do để tin như thế. Không lẽ bản thảo chỉ giao cho một người duy nhất đọc. Chắc chắn phải có một người thứ hai liếc mắt nhìn qua, mà chỉ cần liếc nhìn qua thì cũng phải nhìn thấy (không nhiều thì cũng) phải hai ba sai sót của cuốn sách chứ. Vậy thì đúng là cả lũ dốt như nhau thì mới để cho cuốn từ điển thối tha đó ra đời.
Hay Vũ Chất chỉ là cái tên hiệu của một anh to đầu nào đó nên không một đứa nào dám đụng tới những cơ bút thần thánh đó và vì thế mới ra nông nỗi. Biết đâu Vũ Chất lại là một cái tên khác của Trần Dân Tiên, của Sông Hồng, của Sáu Búa ... nên không một đứa nào dám liều mạng đụng tới.
Nhưng rồi còn những người đọc thì sao?
Những sai sót tầy đình mà người ta tìm thấy gần như ở mỗi trang, vậy mà trong suốt 13 năm vẫn không có một tiếng nói nào lên tiếng về những sai lầm thảm hại đó. Tại sao lại như vậy? Nào phải đó là những từ ngữ quá chuyên môn nên những người dùng từ điển không thấy. Trái lại, nó là những chữ hết sức tầm thường và hay gặp. Bảo là cuốn từ điển dành cho học sinh nên những sai sót đó không được nêu lên. Nhưng nó lú thì chú nó phải khôn chứ!
Có phải vì thế, vì dùng cái từ điển tầm bậy như vậy nên tiếng Việt trong nước mới nhảm nhí như vậy hay không? Người ta có thể tin chắc là như thế.
Nhưng câu hỏi vẫn còn nguyên: Vũ Chất là đứa nào mà dốt quá vậy?