... nếu không khéo léo, việc loan báo tên nhân vật sẽ nắm Bộ Tư Pháp “có thể sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi cho những nghị sĩ Dân Chủ đang vận động tái tranh cử.”
Mặc dù đã có danh sách những ứng viên vào vòng chung kết, nhưng Tòa Bạch Ốc không vội vã loan báo quyết định ai là người được Tổng Thống Barack Obama chọn để thay thế ông Eric Holder trong vai trò tổng trưởng tư pháp.
Ông Eric Holder, người vừa từ chức bộ trưởng Tư Pháp. (Hình: T.J. Kirkpatrick/Getty Images)
Các viên chức thân cận với Tổng Thống Obama đưa ra những lý do khác nhau để trả lời câu hỏi về chuyện chọn người và bao giờ mới công bố danh tánh người được chọn cho một trong những chức vụ quan trọng nhất của chính phủ. Có người nói “chúng tôi đang bận rộn với nhiều chuyện khác như ISIS, Ebola, nên chưa tính chuyện sẽ đề cử ai thay thế ông Holder,” cũng có người bảo “ông Holder đồng ý ở lại cho đến khi tổng thống chọn được người thay thế nên không phải vội vã,” và cũng có người nói “chắc phải đợi đến sau ngày cuộc bầu cử giữa kỳ hoàn tất (vào đầu tháng 11) lúc đó tổng thống mới thông báo quyết định chọn ai.” Bất kể những lý do được đưa ra giống hay khác nhau như thế nào, điều ghi nhận được đều quy về một điểm: đang chọn người nhưng phải chờ ít nhất một tháng nữa người dân Mỹ mới biết vị tân tổng trưởng tư pháp liên bang là ai.
Giới thạo tin tại Washington D.C. cho hay ý kiến “chờ đến sau cuộc bầu cử giữa kỳ” là ý kiến của ông Harry Reid, chủ tịch Khối Ða Số Thượng Viện. Nghe đâu trong một cuộc họp giữa ông Reid và ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Denis McDonough, người đang lãnh đạo cánh Dân Chủ Thượng Viện cho rằng nếu không khéo léo, việc loan báo tên nhân vật sẽ nắm Bộ Tư Pháp “có thể sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi cho những nghị sĩ Dân Chủ đang vận động tái tranh cử.” Theo trình bày của ông Reid, “gần như chắc chắn bất kể ai được chọn, bên Cộng Hòa sẽ tìm đủ mọi cách để nêu thắc mắc,” tức không có lợi cho đảng trong lúc những cuộc thăm dò lại cho thấy có thể cánh Cộng Hòa sẽ lấy thêm ghế nghị sĩ để nắm khối đa số. “Chưa chắc cuộc thăm dò này đã đúng,” ông Reid nói tiếp, “nhưng đừng tạo thêm bất kỳ điều gì có lợi cho đối thủ ngay lúc này. Cứ chờ đến khi có kết quả chính thức (của cuộc bầu cử) rồi hay thông báo cho mọi người biết.”
Ngay chính những chiến lược gia Dân Chủ cũng tán thành ý kiến đó. Ông Joe Trippi, người từng đứng trong ban tham mưu của nhiều chính trị gia Dân Chủ, cho rằng ngày bầu cử đã quá gần kề, “phải tránh tạo những cuộc tranh luận chính trị gây bất lợi cho các ứng cử viên của đảng, nhất là những ứng cử viên đang gặp khó khăn trong cuộc vận động tái ứng cử.” Một chiến lược gia khác là ông Mark Wyler, từng làm việc trong Ủy Ban Tranh Cử 2008 của ứng cử viên Barack Obama, cho rằng “bất kể người được chọn là ai, bên Cộng Hòa cũng sẽ lên tiếng chỉ trích người đó là một ông Eric Holder thứ nhì,” ý muốn nhắc lại trong thời gian ông Holder còn tại chức, nhiều vị dân cử Cộng Hòa đã lên tiếng đòi ông ta phải từ chức, lấy lý do ông không làm tròn trách nhiệm của người điều khiển Bộ Tư Pháp, và cũng từng có những lời chê bai - cũng đến từ phía Cộng Hòa - với nội dung ông Holder được cắt cử để cùng với Tổng Thống Obama thực hiện những chính sách mang tính “cấp tiến quá đà,” đi ngược lại truyền thống bảo thủ của nước Mỹ. Ông Wyler cũng cảnh báo Tòa Bạch Ốc đang “đánh ván bài chính trị,” vì nếu sau cuộc bầu cử giữa kỳ đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Thượng Viện, “lúc đó Tổng Thống Obama bị đẩy vào thế phải chọn người vừa hài lòng ông, vừa hài lòng đối phương.”
Tin ghi nhận được từ văn phòng các vị nghị sĩ Cộng Hòa cho thấy họ cũng không muốn Tổng Thống Obama loan báo người được chọn trong lúc này. Theo nhân viên của hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa Chuck Grassley và Orin Hatch, “đề cử người vào các chức vụ quan trọng ngay lúc này chẳng phải là điều hay” vì Quốc Hội khóa này đã sắp mãn, nên đợi cho đến khi Quốc Hội khóa mới bắt đầu (tức sau ngày mùng 3 tháng 1, 2015).
Theo thông lệ, Thượng Viện mất khoảng 7 tuần lễ mới hoàn tất thủ tục bỏ phiếu chấp thuận hoặc không đồng ý với để cử của tổng thống. Nếu đảng Dân Chủ vẫn giữ khối đa số và ông Obama đợi đến sau ngày bầu cử giữa kỳ hoàn tất mới thông báo đã chọn được người giữ vai trò tổng trưởng tư pháp, lúc đó ông Harry Reid phải vất vả mới có thể hoàn tất thủ tục trước ngày Thượng Viện tạm đóng cửa để nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch. Ngay chính một viên chức dưới quyền ông Reid cũng cho rằng “đó là điều vẫn có thể làm được nhưng rất khó, vì Thượng Viện sẽ phải bỏ qua tất cả những chuyện khác để dồn sức cho những cuộc điều trần và bỏ phiếu.”
Tuần trước khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh NPR, Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Patrick Leahy cho hay ông hy vọng “tổng thống sẽ đề cử tân tổng trưởng Tư Pháp càng sớm càng tốt.” Ông cũng nhắc lại chuyện đề cử người vào thời điểm cuối khóa là “điều cũng thường xảy ra,” chẳng hạn như cuối năm 2006 Tổng Thống George W. Bush đề cử ông Robert Gates làm tổng trưởng Quốc Phòng, “chỉ 3 tuần lễ sau đó ông Gates được Thượng Viện bỏ phiếu ủng hộ.”