main billboard

“Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, ... Ð. mẹ đời, đ. má tương lai” (Ca Dao, 30 tháng 4)


* Chương ba mươi tám “Ðèn Cù”

Tôi cho rằng chương sách đáng đọc nhất của tác phẩm “Ðèn Cù” là chương 38, chương sách nói về ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu độc giả không có thời giờ hay ít quan tâm, đọc một chương sách này cũng đã đủ.

xetang bacviet 1975Xe tăng của quân đội Bắc Việt tiếp tục đổ vào miền Nam Việt Nam vào ngày 12 tháng 5, 1975, để ngỡ ngàng trước đời sống sung túc của người dân miền Nam. (Hình: AFP/Getty Images)

Cũng như “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức viết về ngày Sài Gòn thất thủ, khi mà cờ xí, biểu ngữ ngợp trời, loa phóng thanh ầm ĩ loan tin ngày đại thắng, Trần Ðĩnh cảm nhận được cái thất vọng, hụt hẫng, đau đớn của một người đã bao nhiêu năm, bỏ hết tuổi thanh xuân đi theo kháng chiến để chống Tây diệt Mỹ, tàn sát anh em để thống nhất đất nước! Những gì Huy Ðức suy nghĩ trước đây hẳn không khác hơn Trần Ðĩnh, Dương Thu Hương hay tất những người Việt Nam:

“...Ngày 30 tháng 4, 1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc.” (Lời Nói Ðầu - Bên Thắng Cuộc.)

Hạ màn! Câu nói nửa chừng của Trần Ðĩnh “Chả lẽ trời đất quỷ thần lại phù hộ...” cho chúng ta hiểu là kẻ xấu, bọn tà đã... thắng! Trời quả là không có mắt như câu nói ngày xưa của nhân gian!

Trên báo Nhân Dân, sau ngày 30 tháng 4 tại Hà Nội, Trần Ðĩnh bất mãn vì chi tiết trong bài báo của Bùi Tín nói đến thực đơn của tổng thống “Ngụy” (trưa hôm đó có hai món chính là gân bò hầm sâm và cá thu kho mía,) mà theo Trần Ðĩnh, “Kiểm kê sự ăn uống của tư sản, địa chủ vốn nằm quen thuộc trong cẩm nang phát động quần chúng căm thù bọn bóc lột.” Theo tôi, thêm vào đó là sự thèm khát miếng ăn, để xem bọn “ngụy” nó ăn gì? Chi tiết đó có thể làm kẻ chiến thắng hả hê nhưng sự thật có đáng hiện diện trong một bài báo của một tổng biên tập lớn của một tờ báo lớn, trong một ngày máu xương chất đống hay không?

Một ông cụ thổi kèn Tây trong ban nhạc của triều đình Huế thời Bảo Ðại, tập kết ra Bắc, sau ngày “chiến thắng” chỉ còn độc một đôi dép râu, không có cả...bít tất. Ông cụ nói như lời trăng trối:

“Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân... Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình... Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi?”

Trần Ðĩnh cũng như triệu triệu người miền Bắc ngây ngô, mơ màng thằng dân trong này bị bóc lột tận xương tủy, không có nổi cái chén mà ăn cơm, trong hành lý vào Nam của Trần Ðĩnh có năm bảy thứ cứu đói vào, trong đó có cả một cái thùng nhựa đựng nước kẻo sợ trong Nam không có được cái miểng sành chăng?

Người ngoài Bắc nô nức đi Nam xem chúng nó bị bóc lột đến cỡ nào, không ngờ “trong kia dân nó ối chà giàu ơi là giàu. Vàng chỉ năm chục đồng một cây. Tủ lạnh vài chục đồng một chiếc. Lạnh cứ là liên lu liền lù suốt năm. Bảo cho tay vào lâu là hóa ra đá!” hay “buồng nào cũng máy lạnh. Xin lỗi anh, tôi thấy sướng nhất là đi toa lét!”

Dân miền Nam quả là không đợi không chờ ai vào giải phóng. Câu chuyện của Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh TTX (1971) kể lại cái hí hửng của kẻ “giải phóng” khi vào Sài Gòn đã bị một thau nước lạnh dội vào mặt. Bà mẹ ra mở cửa, thấy mặt anh thì vội vàng chấp tay lạy:

“Anh còn sống thì tôi mừng nhưng anh về thì tất cả các đứa con bao lâu nay sống với tôi, chăm sóc phụng dưỡng tôi đều đã bị các anh lôi đi tù hết mất rồi. Anh về thì nhà này tan nát, thì tôi trơ trọi. Thôi, tôi xin anh, anh đi với đồng chí của anh đi cho mẹ con tôi yên!”

Thân phụ Trần Ðĩnh di cư vào Nam từ năm 1975 đã sụt mất 17 kg từ ngày “giải phóng,” thấy con khốn khổ vì đảng thì mừng, và ngay những ngày đầu tiên đã có nhận xét:

“Chưa có thời nào mà bắt người thua trận bị tù hàng chục vạn như thời Cộng Sản. Các tay này không biết lòng dân là thế nào sao?... Cái khó chịu nhất là dân trong này thấy mình bị khinh miệt.”

“Bố đi bộ về đến đầu phố thì bị một anh bộ đội cầm súng gác giữ lại hỏi đi đâu mà nhanh thế. Bố nói tôi già nên muốn mau về nhà nằm. Không được, đứng nghiêm năm phút! Bố lại ngỡ như thuở bé đi học đứng nghiêm là quay mặt vào tường nên quay vào tường thì anh ấy lại vặn sao quay mặt đi? Trốn giáo dục à? Lại quay lại nhìn thiên hạ qua lại nhìn mình. Ðứng đã ngán lại phải nghe loa ca ngợi chiến thắng, phân tích chiến thắng...”

Dân Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh sau ngày được “giải phóng,” đua nhau vào Sài Gòn mua bán ve chai, như Trần Ðĩnh đã viết:

“Gặp ve chai đồng nát đạp xe tơi tới ở Sài Gòn, tôi chợt thấy mình thường hay hỏi: ‘Thanh hay Nghệ đấy?’ Ðâu chỉ hai căn cứ địa lớn này của Ðói. Khắp mọi nơi! Từ Nam chí Bắc...”

“Nhìn mặt bà ve chai này tôi bỗng nhớ câu 'chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực' của Olga Bergolzt, nhà thơ nữ Nga bị đày ải hết đời. Bà ta nói thay cho tất cả những ai sống với Cộng Sản. Cộng Sản lúc đầu hấp dẫn nhờ đưa ra các hứa hẹn thỏa mãn toàn bộ các nhu cầu của con người. Nhưng phiệu hết. Chỉ còn bành trướng quyền lực của cộng là nhu cầu duy nhất phải thỏa mãn. Vỡ mộng, dân bèn có nhu cầu trừng phạt cái tội lừa dân. Và cậy đến bất cứ thứ gì không phải cộng.”

Người phụ nữ quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa, mua ve chai này, đã đi thanh niên xung phong - bất mãn, thất vọng trước thời thế, cho rằng:

“Bây giờ đấy, đứa ăn chẳng có mà đứa thì sướng quá vua. Biết trước là ra một trời một vực thế này thì chả đi hy sinh làm gì. Hai cụ không nghe thấy dân đã có câu ca đấy ư?... Áo lính chưa ráo máu đào, Mà xe vợ tướng đã vào tới nơi.” Ðẹp... Nhưng cháu chỉ muốn Mỹ nó lại thả bom cho tan hết...”

Cộng Sản vào Nam, một năm sau khi Trung Cộng dùng vũ lực chiến Hoàng Sa, báo Sài Gòn Giải Phóng đã ca tụng và đoan chắc:

“Trung Quốc vĩ đại không chỉ là người đồng chí, mà còn là ông thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn nhận lại, Trung Quốc sẽ sẵn sàng giao lại.”

Và cái chính sách nhân đạo khoan hồng của Cộng Sản Bắc Việt kiểu Phạm Văn Ðồng:

“Ðế quốc Mỹ và tay sai đã biến chúng từ con người thành ra dã thú. Cách mạng phải cải tạo chúng từ thú trở lại thành người. Phải giam chúng lại để chúng không làm hại nhân dân được nữa. Ðồng thời phải cải tạo chúng để chúng cải tà quy chính.”

Mấy năm sau, Cộng Sản lộ nguyên hình là một lũ cướp ngày, từ chuyện lùa dân đi kinh tế mới, đánh tư sản, đổi tiền, tổ chức thu vàng cho vượt biển “bán chính thức,” dân chủ vạn lần hơn tư bản đâu không thấy, nhưng tham ô, lừa đảo khốn nạn hơn cả trăm lần xã hội miền Nam trước đây.

Giải phóng! Bọn cháu Trần Ðĩnh năm đứa cả trai lẫn gái, đứa lớn chưa đầy 17 tuổi kéo nhau xuống tàu vượt biển để thấy ông bác bao nhiêu năm đi theo Cách Mạng là không cần thiết, chỉ làm khổ đồng bào, bà con ruột thịt, tốn máu xương của nhân dân mà thôi!

Có một điều, cần phải nói ra đây, tác giả Trần Ðĩnh vì thói quen chữ nghĩa, trong chương ba mươi tám đã viết rằng, “Gia đình tôi mất liên hệ với nhau đã lâu” (ý nói cha con cách biệt). Thật ra không nghe nói chuyện cha con ông từ bỏ nhau, mà chỉ vì hoàn cảnh Bắc Nam không “liên lạc” được với nhau mà thôi!