main billboard

Cứ nhìn vào những nghi thức vượt quá quy định ngoại giao mà Washington D.C. dành riêng cho ông Modi đủ thấy ông đúng là vị khách quý.


Tối hôm trước ông ngồi ăn cơm với Tổng Thống Barack Obama, dùng cơm xong, ông ghé dinh quốc khách Blair House nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau ông quay trở lại Tòa Bạch Ốc, chính thức bắt đầu chuyến viếng thăm vỏn vẹn không đầy 24 tiếng đồng hồ. Ngoài cuộc gặp thượng đỉnh với người lãnh đạo nước Mỹ để bàn thảo những gì cần bàn, chương trình làm việc của ông dày đặc, từ gặp gỡ với lãnh đạo Thượng và Hạ Viện, cho tới dự buổi tiệc do Phó Tổng Thống Joseph Biden khoản đãi.

Ông đây là ông Narendra Modi, tân thủ tướng Ấn Ðộ, vị khách quý của chính phủ Hoa Kỳ.

narendra modi va obamaThủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng Thống Barack Obama tại Tòa Bạh Ốc hôm 30/9/2014.

Cứ nhìn vào những nghi thức vượt quá quy định ngoại giao mà Washington D.C. dành riêng cho ông Modi đủ thấy ông đúng là vị khách quý. Mười năm trước đây ông từng bị chính phủ Mỹ từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh, chẳng ai ngờ có ngày ông được Tòa Bạch Ốc trải thảm đỏ đón chào. Chuyện ông được mời ăn tối với Tổng Thống, kế đến là chuyện ông đi qua dàn quân danh dự trước khi bước vào Phòng Bầu Dục để uống trà bàn chuyện với Tổng Thống Obama, hàn huyên xong ông được mời ngồi chung xe với Tổng Thống Mỹ đến viếng Ðài Tưởng Niệm Mục Sư Martin Luther King v.v... “là những điều tổng thống chưa từng làm với các nhà lãnh đạo những quốc gia khác,” theo lời một viên chức Phòng Nghi Lễ Tòa Bạch Ốc.

Một viên chức khác cũng thuộc Phòng Nghi Lễ bảo thêm, “Theo tôi biết, hình như chưa có một nhà lãnh đạo nào được tổng thống Hoa Kỳ đón tiếp trang trọng đến thế.” Sợ nói sai, bà này bảo thêm, “Nếu có thì cũng rất hiếm hoi.”

Trang trọng “hiếm hoi” này còn được thể hiện trong bài quan điểm được viết chung bởi ông và Tổng Thống Obama đăng tải trên tờ The Washington Post, trong đó có đoạn ca ngợi mối quan hệ song phương, nhưng cùng nhau nhìn nhận mối quan hệ quý báu đó “vẫn chưa được khai thác đúng mức,” kết thúc bằng câu tân chính phủ Ấn do ông lãnh đạo “là cơ hội giúp mở rộng quan hệ và gắn chặt hai nước” cam kết sẽ cùng nhau đưa ra một chiến lược làm việc mới để đem lại “những quyền lợi vững chắc cho người dân của 2 quốc gia.”

Ngay trong lời phát biểu của Tổng Thống Obama khi đón ông cũng nhắm vào mục đích đó, khởi đầu bằng câu: “Rất vinh dự được đón Thủ Tướng Modi đến thăm Tòa Bạch Ốc.” Sau đó là, “Hôm qua trong bữa cơm chiều, chúng tôi đã dành nhiều thì giờ để bàn thảo với nhau về vấn đề kinh tế.” Bảo thêm, “Hôm nay chúng tôi sẽ thảo luận tiếp về những vấn đề khác” từ chia sẻ tin tức tình báo trong kế hoạch chung sức chống khủng bố, đến tình hình khu vực, tình hình cuộc chiến Afghanistan và ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với an ninh của nước Ấn.

Theo các giới chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận với nhau về môi trường, năng lượng, hợp tác y tế để giúp cải tiến đời sống của người dân Ấn, và cả chuyện Ấn muốn mua kỹ thuật của Mỹ để phát triển khoa học và quân sự. Các giới chức Tòa Bạch Ốc cũng không ngần ngại nói rõ “chiến lược quay về Châu Á” mà Tổng Thống Obama thực hiện trong những năm qua “chỉ thật sự trở thành một chiến lược hoàn hảo với sự tiếp tay của Ấn,” vì thế, cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bàn cả đến tiềm năng quân sự của Trung Quốc lẫn vấn đề an toàn di chuyển trên biển, cùng với những thử thách mà Thủ Tướng Modi phải vượt qua trong vai trò người lãnh đạo chính phủ New Dehli, và những gì Hoa Kỳ có thể hỗ trợ để giúp ông thành công.

Chuyện cùng Ấn Ðộ ngăn cản sự bành trướng ngăn cản sự bành trướng thế lực của Trung Quốc là điều đã được Tòa Bạch Ốc nói đến cả tuần lễ trước ngày hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Ấn gặp nhau. Trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu tuần trước để trình bày cho giới truyền thông biết những điểm cần lưu ý, một trong những cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ nói rằng không chỉ một mình Ấn “mà các quốc gia khác trong khu vực đều nhận rõ tầm quan trọng của việc phải cân bằng giữa phát triển kinh tế, ước muốn của từng quốc gia với quan hệ của những nước láng giềng.” Vị cố vấn này nói thêm, “Dù tôi không cất tiếng nói đại diện cho chính phủ Ấn, nhưng điều chúng ta đều nhìn thấy là Ấn đóng một vai trò quan trọng trong thế cân bằng đó, để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi tuyến đường thương mại, bất kể đó là tuyến đường thủy, đường hàng không hay đường bộ. Dưới quyền lãnh đạo của Thủ Tướng Modi, chính phủ Ấn đã nhanh chóng bắt tay làm việc với các nước láng giềng, thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, với Australia, với Trung Quốc, với Việt Nam. Ðiều đó có nghĩa là thay vì đứng ngoài, chính phủ Ấn trực tiếp tham dự vào sinh hoạt của cộng đồng Châu Á. Ðó là điều Hoa Kỳ mong muốn thấy, Hoa Kỳ sẵn sàng ủng hộ.”

Ngay cả chuyện trong những ngày có mặt ở New York trước khi về Washington D.C. phó hội, ông bị một vài tổ chức bảo vệ nhân quyền nộp đơn kiện trước tòa liên bang Mỹ, yêu cầu xét xử ông về tội khi còn điều hành bang Gurajat đã không can thiệp vụ xung đột tôn giáo, khiến cả ngàn người Hồi Giáo bị tập thể Ấn Giáo cuồng tín giết chết. Ðây là lý do 10 năm trước đây chính phủ Hoa Kỳ đã dùng để từ chối cấp chiếu khán cho ông, nhưng lần này Washington lại lên tiếng giải thích, “Tất cả các nhà lãnh đạo đều được hưởng đặc quyền ngoại giao, không bị bắt giữ hay truy tố trước tòa án Hoa Kỳ trong thời gian đang có mặt ở Mỹ.” Ðiều đó có nghĩa là ông Modi “được quyền không nhận trát tòa và không bị chi phối bởi luật pháp Hoa Kỳ.”

Trước những cảm tình thật nồng hậu và nghi thức thật trang trọng mà chính phủ Hoa Kỳ dành cho ông, Thủ Tướng Modi vừa cười vừa mở đầu bài phát biểu bằng câu ông “vui mừng được đứng dưới đất nói chuyện với Tổng Thống Obama.” Ý ông muốn nói đến chuyện phi thuyền của Hoa Kỳ và phi thuyền của Ấn mới cùng bay vào quỹ đạo Hỏa Tinh, nhưng bên cạnh đó, có lẽ thông điệp ông muốn nhắn gửi đến quốc gia đồng minh chiến lược là ông đã sẵn sàng bắt tay làm việc chung, sẵn sàng cùng Hoa Kỳ giải quyết những “vấn nạn” ở mặt đất, không sang Mỹ để nói chuyện “trên trời.”

Và đó chính là điều Hoa Kỳ mong chờ ở tân thủ tướng Ấn. Việc Tổng Thống Obama là một trong những người đầu tiên gọi điện thoại chúc mừng ông đắc cử kèm theo lời mời ông sang thăm Tòa Bạch Ốc không đi ngoài mục tiêu đó.