Sở dĩ ông Baidu thấy cần phải có “đũa thông minh” cũng tại vì trong mấy năm gần đây ở Trung Quốc, scandal về thực phẩm là chuyện thường ngày, phải nói là quá thường ngày.
Như tờ Financial Times đã nhận xét, đôi đũa là một trong những thứ thuộc loại kỹ thuật lâu đời nhưng vẫn hoàn toàn tốt và không ai cảm thấy cần phải sửa đổi cả.
Cái kỹ thuật “trưởng thành” của hai cây gậy chuốt nhỏ dùng để gắp thức ăn này hẳn đã được phát minh ra từ nhiều ngàn năm nay. Người ta cũng có một chút sáng kiến cải tiến. Vắt cho nó thật nhọn ở một đầu như đũa của người Nhật để có thể dùng nó làm cái xiên luôn cho tiện. Chuyển cho nó thành vuông để cho nó dễ làm bằng máy. Người ta cũng có thể thay đổi vật liệu. Ðũa cổ truyền thường được chuốt bằng tre nhưng sau người ta làm đũa gỗ, đũa kim loại. Ðũa cũng có thể làm bằng thép đúc, và gần đây nhất đũa được làm bằng nhựa. Cái thời xa xưa, đũa cho các nhà quyền quý còn được bịt vàng, bịt bạc, làm bằng sứ, bằng ngà hay ngay cả bằng ngọc thạch. Người Nhật thích làm đũa sơn mài.
Ðũa có lẽ đã phát triển từ thời cổ đại ở Trung Quốc khoảng đời nhà Thương, tức là khoảng 1,766 đến 1,122 trước Công nguyên. Bằng cớ sớm nhất trong khảo cổ học là sáu đôi đũa làm bằng đồng, dài 26cm (10inc) và rộng 1.1 đến 1.3cm, được tìm thấy ở tỉnh Hà Nam, được khẳng định khoảng 1,200 năm trước Công nguyên. Văn bản đầu tiên nhắc đến đôi đũa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên.
Wikipedia giải thích có lẽ cây đũa đầu tiên được sử dụng để nấu nướng hơn là để ăn. Phải mãi đến thời nhà Hán thì đũa mới trở thành một dụng cụ để gắp thức ăn. Nhưng phải đến nhà Minh thì việc sử dụng đũa mới phổ biến.
Ðũa cũng thay đổi hình dạng tùy theo quốc gia. Tuy phát xuất từ Trung Hoa, đũa thay đổi khi được xuất cảng sang các nước khác.
Ðũa ở Tàu là dài nhất, thường khoảng 25cm, vuông hay tròn một đầu còn đầu kia có thể rộng, bằng hay nhọn. Ðũa Tàu được làm bằng đủ loại vật dụng nhưng thông dụng nhất ngày nay là đũa làm bằng melamine.
Ðũa Nhật ngắn hơn và có đầu chuốt thật nhọn. Ðũa Nhật cổ truyền thường làm bằng tre hay gỗ và thường được sơn mài. Ở Nhật còn có tập tục đũa ông, đũa bà với đũa bà thường ngắn hơn đũa ông. Dĩ nhiên đũa trẻ con là ngắn nhất. Ðũa Nam Hàn ngắn trung bình nhưng có mặt bẹt hơn và thường làm bằng kim loại.
Truyền thống đũa Hàn làm bằng đồng hay bạc. Nhiều đôi đũa kim loại của Hàn quốc được chạm trổ ở chỗ cầm tay. Và thường bao giờ cũng đi đôi với cái muỗng nhỏ. Ở Viện bảo tàng Victoria & Albert ở Luân Ðôn, trong khu triển lãm Hàn Quốc, còn có một đôi đũa và muỗng nhỏ bằng bạc chạm trổ tinh vi của một vị tướng được đặt trong một cái túi đeo ngay cổ của các quân nhân ra trận.
Ðũa Việt Nam ta thì đầu tuy có chuốt nhỏ lại nhưng không nhọn hoắt. Truyền thống Việt Nam cho đũa gỗ mun là tốt nhất vì gỗ này càng rửa càng bóng. Ngày nay thì toàn là mun dỏm vì hẳn cây mun đã bị đốn sạch rồi. Việt Nam chúng ta cũng có lẽ là quốc gia duy nhất có đũa cả để xới cơm. Ðũa cả, như chúng ta đều biết rộng bản và dẹp cho dễ quệt cơm.
Nhưng chả bao giờ có ai nghĩ đến cải tiến đôi đũa cả. Thế mà mới đây Baidu, một địa chỉ tương đương với Google ở Trung quốc, đã loan tin là họ đã “upgrade” đôi đũa để biến nó thành một thứ kỹ thuật hitech. Thành ra cũng như chúng ta có smart phone, nay Baidu nói họ đã phát minh ra đũa smart.
Baidu loan báo là sở dĩ sản xuất ra đôi đũa “thông minh” này là để cho nó trở thành “Thành trì cuối cùng” để bảo vệ cho sức khỏe của thực khách ở Trung Quốc chống lại những thứ như “dầu ăn nước cống”, hay là các loại thực phẩm kinh hồn khác.
Dầu nước cống, hẳn ai trong chúng ta cũng biết, là loại dầu ăn rẻ tiền làm lậu được chế ra từ các loại dầu thải ra từ các chảo dầu phế thải của các nhà hàng, những ống cống gần nhà hàng và gần các tiệm đồ tể xả thịt. Mới năm ngoái thôi, hơn 20 người đã đi tù ở Trung Quốc, hai người bị đến tù chung thân, trong một cuộc ruồng bố về việc sản xuất và bán các loại dầu bẩn thỉu này.
Cái đôi đũa mới, có tên là Kuaisou, sẽ cho phép thực khách tự mình bảo đảm là thực phẩm mình ăn được an toàn. Ðược gắn vào đó một số sensor điện tử sẽ bật đèn đỏ khi đụng phải những thứ dầu mà có hơn 25% của một chỉ số cho biết độ tươi của nó. Ðó là nếu chúng ta tin vào Baidu.
Những dữ kiện được đôi đũa smart nhận được sẽ được chuyển sang cho thực khách qua cái smartphone, và dĩ nhiên sẽ phải qua một cái app, một cái ứng dụng đặc biệt. Ðôi đũa này, Baidu khoe, có thể đọc được nhiều cách để xem là thức ăn có tươi không, đo độ acid và các chất dinh dưỡng khác, cũng vẫn theo Baidu.
Ngoài khả năng đo được những chất dinh dưỡng trong thức ăn, đôi đũa 'smart' này còn cho chúng ta biết liệu nó có quá date hay chưa. Ðôi đũa dĩ nhiên cũng biết đo độ muối trong thức ăn để giúp thực khách điều hòa lượng muối tiêu thụ hàng ngày. Ngoài smart phone, nó còn có thể nối mạng với một cái computer qua wi-fi hay là Bluetooth.
Có điều nghe ra thì hay lắm nhưng Baidu chưa thấy nói đến ngày nào sẽ cho tung ra thị trường.
Tổng quản trị Robin Li của Baidu tuyên bố hôm thứ tư khi trình làng đôi đũa này là “Trong tương lai, qua đôi đũa của Baidu, quý vị có thể biết nguồn gốc của dầu ăn, nước và tất cả các loại thức ăn khác, liệu nó đã hư chưa và lượng dinh dưỡng của nó là bao nhiêu.”
Sở dĩ ông Baidu thấy cần phải có “đũa thông minh” cũng tại vì trong mấy năm gần đây ở Trung Quốc, scandal về thực phẩm là chuyện thường ngày, phải nói là quá thường ngày. Người tiêu thụ ở Trung Quốc hết hốt hoảng vì sữa độc bị lẫn protein từ da thú vật, đến nạn bán hàng 'treo đầu dê bán thịt... chuột', đến các loại bánh bao bị nhiễm chất aluminium ở mức độ nguy hiểm, chưa kể là loại thịt heo được mệnh danh là “heo avatar” vì nó chiếu sáng màu xanh da trời trong bóng tối. Tưởng ăn rau cho an toàn thì lại có giá độc.
Mới đây nhất, một công ty sản xuất burger cho McDonald's đã được quay video trộn thịt hư và lượm burger rớt đất cho vào xài tiếp.
Vụ scandal mà trong nước nay hẳn gọi là scandal khủng là vào năm 2008, khi các công ty sản xuất sữa bột và các loại thức ăn cho baby cho các loại melamine kỹ nghệ vào sữa. Sữa này được dùng để điều chế các loại sữa trẻ em sơ sinh baby formula. Sáu em nhỏ chết ngay tức thời vì sạn thận, hơn 300,000 em lâm bệnh và có lẽ có em tật nguyền suốt đời. Sở dĩ người ta bỏ thêm melamine kỹ nghệ vào sữa là để cho nó có vẻ có lượng chất đạm cao hơn vì sữa đã bị pha loãng, nếu kiểm tra thì có thể không đủ lượng protein đòi hỏi.
Ðiều đáng sợ hơn nữa là sở dĩ những nhà sản xuất sữa biết được “mánh lới” này là nhờ một bản nghiên cứu của các vị trong Hàn lâm viện Khoa học cho biết là sữa thêm melamine sẽ đo được độ nitrogen cao. Ðo độ chất đạm trong thực phẩm vốn đơn giản nhất là đo độ nitrogen. Tổ chức Y tế Thế Giới WHO đã gọi vụ này là vụ lớn nhất về an toàn thực phẩm mà họ đã phải đối phó trong những năm gần đây. Một phát ngôn nhân của WHO nói là mức độ của vấn đề chứng minh là “rõ ràng đây không phải là một vụ đơn lẻ, mà một hoạt động đại trà cố tình để đánh lừa người tiêu thụ đơn giản chỉ vì lợi ngắn hạn.” WHO nói rằng cuộc khủng hoảng về niềm tin trong người tiêu thụ ở Hoa lục sẽ khó mà vượt qua.
Mà quả thật thế. Một trong những khách hàng của Baidu, khi được hỏi nghĩ sao về những đôi đũa “thông minh” đã thản nhiên trả lời “Tôi nghĩ nếu chúng ta dùng loại đũa này ở nước chúng ta thì rút cuộc chỉ có chết đói mất thôi.”
Chí lý lắm thay.