“Giờ đây, nét xưa của Sài Gòn đang dần biến mất. Những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng sẽ trở thành những kỷ niệm vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn mới có thể nhìn thấy lại."
Tòa nhà Thương Xá Tax cũ nằm ở trung tâm Sài Gòn sẽ bị phá hủy và thay thế vào đó là cao ốc 40 tầng được khởi công xây dựng vào năm 2015. Ðây là một tin đau lòng cho tất cả những ai yêu quý Sài Gòn và trân trọng giá trị lịch sử của thành phố có hơn 300 năm tuổi này.
Ðược xây dựng từ năm 1880, Thương Xá Tax tiếp giáp ba con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur là trung tâm thương mại sầm uất, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Việt Nam, một điểm mua sắm quen thuộc của người dân Sài Gòn trong suốt hơn 130 năm qua.
Cùng với những công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà Thờ Ðức Bà, Bưu Ðiện Thành Phố, Nhà Hát Lớn, Dinh Toàn Quyền, Khách Sạn Majectic,... Thương Xá Tax được xem là biểu tượng của kiến trúc cổ Sài Gòn.
Thương Xá Tax, một tòa nhà có cấu trúc đẹp, nếu ở một đất nước văn minh, nhất thiết sẽ được ghi vào danh sách di tích lịch sử quốc gia, được trùng tu, tôn tạo và bảo tồn qua mọi thời gian.
“Cộng sản là tổ sư của phá hoại,” cựu thủ lĩnh Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan Lech Walesa đã nói như thế, chuẩn xác vô cùng! Họ phá hoại bừa bãi, vô thức và có ý thức.
Trong những năm 50 của thế kỷ trước, ở miền Bắc họ đã phá hủy chùa chiền, đình miếu ở làng thôn Việt Nam, làm đảo lộn các giá trị văn hóa và tập quán truyền thống.
Giờ đây các “đại gia” nhờ mối quan hệ với quan chức, hốt bạc từ các dự án đầu cơ bất động sản, buôn lậu, lại đua nhau bỏ tiền xây chùa với kiến trúc lai tạp nhố nhăng, nửa hiện đại, nửa lai căng. Những nét trang nghiêm, êm đềm của kiến trúc cổ đã biến mất, thay vào đó là màu sắc sặc sỡ, mặt sân tráng nền bằng bê tông hắt nóng hầm hập, cầu thang bằng inox.... Họ cũng thờ cúng thái quá và bất thường. Tượng Hồ Chí Minh đặt bên cạnh Ðức Phật ở chùa Ðại Nam Quốc Tự của “đại gia” Dũng “lò vôi,” hay hình ảnh gia đình “đại gia” Trầm Bê treo ở tiền sảnh chùa Cò, là những ví dụ về sự lố lăng, nhạo báng cửa Phật thời cái ác lên ngôi!
Có thể nói, Việt Nam nằm vào các quốc gia có thứ hạng kém nhất thế giới về ý thức tôn trọng và bảo tồn các di tích văn hóa nghệ thuật. Nhiều di tích cổ được “trùng tu” bằng cách xây mới một phần hoặc hoàn toàn đã không còn quá lạ lẫm với người dân, đặc biệt là người dân thủ đô.
Năm 2012, chùa Trăm Gian danh tiếng ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, có từ thời Lý, là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua đã bị đập phá xây mới núp bóng trùng tu tôn tạo.
Năm 2009, dư luận đã dậy sóng khi ngôi đền Và (thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bị “bức tử” núp bóng việc trùng tu di tích.
Chùa Thiên Phúc là một ngôi chùa cổ kính, có tên gọi là An Trung được xây dựng vào cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn. Sau khi được trùng tu 3 năm, đến tháng 10, 2010 chùa đã khoác lên mình một bộ quần áo mới, lòe loẹt và không phù hợp chút nào với chiều dài lịch sử của nó.
Chùa Tiên Tích có lịch sử ra đời vào đầu đời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), nhưng cũng đang được trùng tu, xây mới.
Phục vụ Lễ Hội Nghìn Năm Thăng Long Hà Nội, cổng Ô Quan Chưởng đã được “tu bổ” đến mức dân Hà Nội mỉa mai:
“Trùng tu di tích tuyệt vời
Từ cụ cao tuổi lên đời ca ve
Tiền vào lắm lỗ nhiều khe
Cho nên nó mới bét nhè cổ kim
Nào là bản sắc giữ gìn
Nào là sáng suốt niềm tin chói lòa
Làm ăn be bét thế a?
To mồm cứ hát bài ca tuyệt vời”...
Ði vòng qua các nước Châu Âu, những công trình kiến trúc cổ đều nằm ở những vị trí độc đắc, tấc đất tấc vàng, nhưng không ai phá đi để dựng nên những công trình mới, trái lại được gìn giữ, bảo quản nghiêm ngặt.
Ðại hý trường La Mã (Colosseum) được xây dựng khoảng năm 70 và 72 sau Công Nguyên, từ lâu được xem là biểu tượng của Ðế Chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn sót lại, là một điểm tham quan hấp dẫn của Roma.
Tháp nghiêng Pisa (Torre pendente di Pisa) được xây dựng năm 1173, là một công trình nghệ thuật, năm 2008, người ta phải đi dời 64 tấn đất, gia cố bê tông móng để ngăn chặn tháp bị nghiêng, là một phần trong Campo dei Miracoli - di sản thế giới, cùng với thánh đường và nghĩa trang bên cạnh.
Những ngôi nhà cổ ở Paris, Madrit, Luxemburg, Vienna, Praha, Budapest v.v... đều được bảo toàn nguyên trạng, gìn giữ được cái hồn cao sang, quý tộc của một thời.
Tòa nhà mang tên Bush, nơi có trụ sở của BBC ở London, tuy không cổ lắm, nhưng để giữ cảnh quan, người ta cấm không được gắn máy lạnh chìa ra bên ngoài.
Ðến Paris, tôi được người bạn mới đi ăn steak ở một nhà hàng với lời giới thiệu ở đây ăn ngon và rẻ. Thì ra nhà hàng này có từ lâu lắm, cái thùng giật nước trong nhà vệ sinh bằng gang mắc tít trên cao, bàn ghế bằng gỗ sồi đơn sơ, nhưng sạch sẽ. Nhà hàng không phải đóng thuế thay vào đó là trách nhiệm bảo quản, gìn giữ phiên bản gốc mộc mạc. Những thứ cổ xưa là sự bổ sung hài hòa và đầy thú vị cho một Paris hiện đại.
Trong Chiến Tranh Thế Giới II, thủ đô Warszawa bị Hitler san thành bình địa. Thành phố với cung vua, nhà thờ, khu chợ, nhà ở có từ thế kỷ 14, chỉ còn là đống gạch vụn.
Mặc dù trong chế cộng sản, người Ba Lan đã phục chế toàn bộ, duy nhất trên thế giới về quy mô, là niềm tự hào của dân tộc Ba Lan. Người ta đã làm lại y hệt như cũ từng viên đá lót đường đến cả cung vua nguy nga, hoành tráng. Ðến Warszawa du khách ít ai không ghé khu phố cổ này.
Ở trung tâm Warszawa có Cung Văn Hóa và Khoa Học, một tòa nhà cao nhất Ba Lan (về chiều cao tổng thể), được Liên Xô xây dựng, như một món quà của lãnh tụ Stalin tặng dân tộc Ba Lan, hoàn thành vào năm 1955. Trong tòa nhà có trụ sở của nhiều công ty, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, câu lạc bộ thể thao, trường đại học, các tổ chức khoa học và các cơ quan chức năng của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan.
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, người ta đã bàn đến phương án đập phá đi vì nó chiếm một không gian quá lớn giữa trung tâm, rất khó cho quy hoạch đô thị hiện đại. Thế nhưng cuối cùng người ta quyết định giữ lại và ghi vào danh sách di tích lịch sử như là một ấn bản của chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Ba Lan, một tài liệu làm sáng tỏ giai đoạn nửa đầu những năm 50. Những tòa nhà cao tầng mới hiện đại mọc lên xung quanh, nhà ga metro cũng chạy qua nhưng người Ba Lan đã nỗ lực bảo toàn từng gốc cây xanh trong công viên bao bọc.
Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Ðông với hơn 300 năm tuổi đang bị lột truồng và khoác lên những thương hiệu thời trang “hip-hop.”
Hơn 100 năm trước, khu trung tâm Sài Gòn được quy hoạch rất quy củ từ các chỉ số chiều cao, mật độ xây dựng, cây xanh, đến diện tích đường sá. Nét thơ mộng và lãng mạn của Sài Gòn bị tước đoạt bằng khoảng hơn 100 cao ốc đã và đang mọc lên ở khu trung tâm.
“Với một diện tích khiêm tốn vài trăm hecta, trung tâm Sài Gòn vốn được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng nay lại đang được nén chặt đến mức ngộp thở. Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó, những bản sắc vốn có và hồn đô thị của thành phố 300 năm tuổi đang bị xóa nhòa.”
“Ðôi khi tôi tự hỏi khu đô thị Thủ Thiêm cứ ì ạch thực hiện đã hơn 10 năm nay nhưng sao ở đó người ta không sớm xây dựng cao ốc, quảng trường, khu phức hợp? Tại sao không dời trung tâm hành chính về đó để tạo động lực thúc đẩy phố Ðông Sài Gòn, nhất là khi cầu, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Ðông Tây, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành đang dần được hình thành? Một phố đông hiện đại, ngăn nắp và một phố tây cổ kính, hoài niệm sẽ cùng phát triển và là một sự bổ sung hoàn hảo cho nhau”...
“Giờ đây, nét xưa của Sài Gòn đang dần biến mất. Những con đường, lề đường lát đá với hàng cổ thụ rợp bóng sẽ trở thành những kỷ niệm vô giá mà không biết bao giờ người Sài Gòn mới có thể nhìn thấy lại. Sài Gòn xưa đang dần thu nhỏ đi và người ta chỉ có thể tìm gặp lại qua hình ảnh trong các nhà hàng “phố cổ,” “phố xưa.” Một hồn đô thị đã vĩnh viễn biến mất khiến những người yêu Sài Gòn không khỏi ngậm ngùi.
Quy hoạch mỹ miều 300 năm của Hòn Ngọc Viễn Ðông đang phải nhường chỗ cho đô thị hiện đại chưa được định dạng. Và khi nghe lại câu hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi,” những người hoài cổ như tôi không khỏi buồn bã, xót xa”... (*)
Không phải chỉ đối với những người hoài cổ mà là với tất cả. Giá trị di tích lịch sử là một kho tàng quý báu của dân tộc.
Bởi vì “lịch sử là nhân chứng của thời gian, ánh sáng của chân lý, đời sống của trí nhớ, người thầy của cuộc đời, sứ giả của tương lai” (Marcus Tullius Cicero, triết gia La Mã).
Lợi ích trước mắt đã làm bộ não của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam teo quắt lại và mọi giá trị cao quý biến mất trong cuộc chơi quyền-tiền ma quỷ!
(*) : Pháp luật TH HCM, http://plo.vn/do-thi/mot-sai-gon-dang-tro-nen-xa-la-490502.html, 19 tháng 8, 2014