main billboard

Tình cờ đọc trên mạng tôi thấy người ta “bôi bác” đàn ông. Họ nói cuộc đời người đàn ông gắn liền với chữ “ĂN”.

Phu-nu-dep

Tình cờ đọc trên mạng tôi thấy người ta “bôi bác” đàn ông. Họ nói cuộc đời người đàn ông gắn liền với chữ “ĂN”.
Đại loại như là:

Khi còn nhỏ thì “ăn học”. Xin tiền ba mẹ mua quà không được thì “ăn vạ”.
Lớn chút nữa thì “ăn chơi”, “ăn mặc”, “ăn diện” để tán tỉnh các cô.
 Lỡ “ăn nói bậy bạ” thì “ăn bạt tai”.
Rồi thì “ăn hỏi”, “ăn cưới”, “ăn đời ở kiếp".
 Khi vợ sắp sinh đành phải “ăn chay”. Sau khi vợ sinh lại phải “ăn kiêng”.
Khi bắt đầu chán (vợ) đâm ra "ăn vụng". “ăn gian nói dối”. Nói với vợ là đi “ăn cơm khách” nhưng thực ra là đi “ăn bánh trả tiền”. Vợ mà biết được cho “ăn gậy”, đuổi ra khỏi nhà đi “ăn mày”.
Vân vân và vân vân…
Nghe mà tức anh ách!

Nhưng gẫm ra cũng đúng, mặc dù không đúng với tất cả mọi người. Trên đời cũng có nhiều đàn ông hiền lành, lo cho vợ con, có đồng nào đưa cho vợ đồng đó, vợ cho gì ăn nấy, không than vãn một câu như… tác giả bài viết này chẳng hạn.

 Nhưng nghe người ta bôi bác đàn ông tôi cũng thấy tức, càng nghĩ càng tức, tức anh ách. Dự định “ăn miếng trả miếng” tôi cũng cố nghĩ xem đàn bà “ăn” gì!!! Nghĩ mãi, tôi thấy phụ nữ chẳng thích hợp với chữ “ăn” tí ti nào cả, có chăng chỉ là “ăn hàng” nhưng chẳng bằng một chút của đàn ông “ăn nhậu”.
Vậy cuộc đời người phụ nữ gắn với chữ gì? Suy nghĩ đúng hai ngày ba đêm, lục hết sách vở tôi thấy chẳng có ai nói phụ nữ hợp với chữ gì. Các nhà hiền triết Đông Tây Kim Cổ thường bốc phụ nữ lên tận mây xanh. Tỷ như:

- “Trên đời này chỉ có hai cái đẹp: phụ nữ và hoa hồng”.
-  “Phụ nữ được tạo dựng nên để làm dịu sự hung hãn trong tính cách của người đàn ông”.
- “ Rung cảm, yêu, chịu đau khổ, hy sinh: những chữ này mãi mãi dệt nên trang đời của phụ nữ”.

Nghe mà phát rét!
Một đêm phiền muộn (vì chưa nghĩ ra chữ thích hợp với người phụ nữ, “trả thù” cho cái việc bị nói “ham ăn”), tôi phát hiện ra rằng cuộc đời người phụ nữ gắn liền với chữ… “Làm”.

Làm thì cũng có ba bảy đường làm, làm theo kiểu “nói điều hay làm việc tốt”, “làm đẹp” hay đơn giản chỉ là “làm việc”. Nhưng cũng có làm theo kiểu “làm bậy làm bạ”, “làm hung làm dữ” vân vân và vân vân…

Khác với chữ “ăn” hàm ý nhiều hư hỏng, chữ “làm” của người phụ nữ đa số là tuyệt vời. Không lẽ bạn chưa một lần thấy hạnh phúc bởi chữ “làm” của người phụ nữ của bạn hay sao!?. Bởi thế thay vì tìm cách lên án phụ nữ, “trả thù” cho cái chữ “ăn” đáng ghét trên, tôi lại “trở giáo quy hàng” viết bài này ca ngợi phụ nữ.

Lúc còn nằm nôi, người-phụ-nữ-tương-lai thường biểu diễn “làm xấu” mang lại tiếng cười hạnh phúc cho cả gia đình. “Con làm xấu đi!” thế là đứa bé chun mũi, nhắm mắt… đúng là ... xấu thật. Cái trò chơi làm xấu này tiêu tốn không ít thời gian và tiếng cười của nhiều gia đình. Có điều lạ là trò chơi này chỉ có ở bé gái. Bạn có bao giờ thấy bé trai chơi trò “làm xấu” chưa?

Lớn hơn một chút khi đi mẫu giáo, lớp một, lớp hai, là “làm nũng”, con gái ở tuổi này làm nũng thì không ai bằng, lòng mình dịu lại, đang bực bội cũng phải chìu, phải không bạn. Mà cũng như làm xấu, làm nũng chỉ có ở bé gái thôi, bé trai mà làm nũng thì…không giống ai!

Nhưng cũng cô bé hay làm nũng này, nếu không vừa ý sẽ “làm nung làm nẫy”, con gái làm nung làm nẫy thì đúng “ trời sợ”, “làm khó” cho bố mẹ. Khó nhưng cũng cố chìu thôi bạn ạ, có con gái khổ như vậy đó!

Mời ba mười bốn tuổi con gái đã biết “làm điệu”, “làm duyên làm dáng”, khiến không ít chàng trai mới lớn phải ngẩn ngơ.
Lớn hơn chút nữa, khi có người để ý thì các cô thường “làm cao”, ra cái vẻ “Ta đây lo học là chính, nhà người liệu mà tránh xa nơi khác”.
Thân hơn một chút, rủ đi chơi buổi đầu thì các cô lại “làm khó làm dễ” để “làm khổ” cánh đàn ông.

 Khi đã đến tuổi lập gia đình, mọi việc đều thuận lợi, chàng trai ngỏ lời cầu hôn thì thường bị các cô “làm lơ”. Nhưng khi thấy chàng trai lơ không nhắc đến nữa thì các cô lại nhất đình đòi “làm thiệt”.

Thế là “làm lễ hỏi”, “làm lễ cưới”. Cô gái ngày xưa lên xe hoa về nhà chồng để “làm vợ”, “làm dâu” và sau này là “làm mẹ”.

Ngày xưa con gái đi làm dâu thường bị nhiều điều ấm ức, các bà mẹ chồng, có lẽ cảm thấy tình cảm đứa con trai dành cho mình bị san sẻ cho người khác nên thường quay sang “làm hung làm dữ” với cô con dâu mới, bởi thế mới này sinh nhiều bi kịch của làm dâu.
"Thật thà cũng thể lái trâu
 Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng”.

Câu ca dao đó đã nói lên phần nào quan hệ không mấy tốt đẹp giữa nàng dâu mẹ chồng. Nhưng dù khổ cực, ấm ức bao nhiều nàng dâu cũng chấp nhận và luôn hiếu thảo với mẹ chồng:
 Phải đâu mẹ của riêng anh
 Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
 Mẹ tuy không đẻ không nuôi
 Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong

Chắt chiu từ những ngày xưa
 Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
 (Xuân Quỳnh)

Có một chữ làm, đúng với nghĩa đen: “làm lụng”, “làm việc” thì người phụ nữ cũng không thua nam giới, có khi lại còn hơn: “Có chồng gánh vác giang san nhà chồng”.

Khi gia đình gặp khó khăn, người phụ nữ sẳn sàng:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
 Nuôi đủ năm con với một chồng
 Lặn lội thân cò khi quảng vắng
 Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
(Trần Tế Xương)

 Công việc nhà, những công việc không tên cũng đều phải nhờ tay người phụ nữ: làm tiệc, làm bếp, làm cơm, làm rau, làm gà, làm vịt…

Cả núi công việc phải làm để lo cho chồng và gia đình chồng, nhưng người phụ nữ vẫn không quên thiên chức của mình, đó là “làm mẹ”.
Kể từ khi hình thành trong bụng mẹ, đến khi đủ hình hài, chín tháng cưu mang, mẹ đã hy sinh siết bao. Rồi khi vượt cạn mẹ có thể hy sinh cả mạng sống của mình để con ra đời lành lặn.
       “Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình”.
(Ca dao)

Rồi khi nuôi con:  “Mẹ nuôi con biển hồ lai láng.”  (Ca dao)
……..
“Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.”  (Ca dao)
“Một đời vốn liếng mẹ trao.
 Cho con tất cả, mẹ nào giữ riêng.
(Ca dao)

Hai từ “làm mẹ” hàm chứa biết bao điều cao quý, thiêng liêng: đó là suốt đời hy sinh, che chở, nuôi dưỡng, dạy dỗ con nên người, mẹ có thể hy sinh tất cả để con được hạnh phúc.

 Khi con khôn lớn, thành gia thất, người phụ nữ bây giờ lại “làm mẹ chồng”, “làm mẹ vợ”.

Rồi ngày cháu ra đời, người phụ nữ đó bây giờ được lên chức: “làm bà nội”, “làm bà ngoại”. Bà nội hay bà ngoại lại một lần nữa như làm mẹ, cũng thức suốt đêm, canh cho con, cho cháu ngủ, cũng bế bồng, ầu ơ ru cháu bằng tất cả tình thương.

Nhiều năm trôi qua, nhiều thế hệ tiếp nối, người phụ nữ của ngày xưa có khi “làm bà Tổ” của một dòng họ.

Còn một chữ làm nữa mà tôi chưa nhắc đến trong phần trên, chữ làm khiến cho người phụ nữ đã đẹp lại càng đẹp hơn, đó là “làm đẹp”. Làm đẹp có lẽ được sinh ra cùng một lần với người phụ nữ.

Nhiều người đàn ông trên thế gian này (may mắn là số đó không nhiều) lên án phụ nữ về chuyện quá chăm chút làm đẹp. Có bao giờ bạn thấy người phụ nữ làm đẹp và đứng trước gương soi suốt ngày để ngắm mình không? chắc chắn là không. Người phụ nữ làm đẹp không phải cho họ mà là để cho đời, cho chúng ta đó hỡi những người đàn ông khờ khạo! Vậy thì vì lẽ gì mà chúng ta lại lên án phụ nữ làm đẹp?

Để làm đẹp, người phụ nữ lại có hàng trăm việc phải làm: làm đầu (làm tóc), làm móng tay, làm móng chân, làm trắng da, làm môi, làm mắt, làm lông mày, làm lông mi và hàng tá cái làm khác.

Làm xấu, làm nũng, làm nung làm nẫy, làm duyên làm dáng, làm điệu, làm cao, làm lơ, làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm đẹp…Từ thủa trong nôi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, cuộc đời người phụ nữ luôn gắn với chữ “Làm”.

Tác giả bài viết: Vô Danh.